Dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc theo CT GDPT 2018: Bảo đảm quyền được học của học sinh

Đức Trí | 07/03/2022, 20:09
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 7/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã dự cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về phương án chỉ đạo địa phương tổ chức dạy học môn Tin học, Tiếng Anh cấp Tiểu học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp.

Cùng dự có lãnh đạo Vụ giáo dục Tiểu học; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Cục Cơ sở vật chất; Ban Quản lý đề án ngoại ngữ Quốc gia; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách giáo dục Tiểu học tại 17 điểm cầu các địa phương.

Khó khăn từ thực tế

Để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là 2 môn Tiếng Anh, Tin học, trong những năm qua Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương thực hiện. Các địa phương cũng đã tích cực chuẩn bị và sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên qua báo cáo của 63 địa phương về thực trạng công tác chuẩn bị triển khai thực hiện môn Tiếng Anh, Tin học lớp 3 năm học 2022- 2023 về Bộ GD&ĐT cho thấy bên cạnh những thuận lợi thì còn nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ.

Cụ thể như tỷ lệ học tiếng Anh dành cho lớp 3 của cả nước hiện là hơn 90% nhưng chỉ khoảng 70% số học sinh được học đủ 4 tiết/tuần theo kế hoạch của chương trình. Việc triển khai dạy học Tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 năm học 2022-2023 ở một số vùng gặp khó khăn do thiếu giáo viên.

Cả nước hiện có 30.548 giáo viên (trong đó, giáo viên biên chế là 25.561 - chiếm 83,67% tổng số giáo viên Tiếng Anh cả nước, giáo viên hợp đồng là 4987 – chiếm 11,33%). Để thực hiện được dạy tiếng Anh đủ theo Chương trình GDPT 2018 cần thêm 3605 giáo viên (tăng thêm 11,89% số lượng giáo viên hiện tại).

Một số địa phương thiếu nhiều giáo viên như Sơn La, Thanh Hóa, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Thái Nguyên...Trong trường hợp nếu dồn toàn bộ giáo viên Tiếng Anh tập trung dạy cho học sinh lớp 3 theo Chương trình GDPT mới vào năm học 2022- 2023 thì số lượng thiếu vẫn còn cao và việc thiếu cục bộ xảy ra ở một số địa phương.

Việc tuyển dụng giáo viên cũng khó khăn do không có giáo viên để tuyển dù có chỉ tiêu biên chế, những ưu đãi và chế độ chính sách không đủ để thu hút lực lượng giáo viên tham gia vào công tác giảng dạy; Không có giáo viên đủ điều kiện về trình độ đào tạo - tốt nghiệp Đại học theo quy định của Luật Giáo dục mới; Chỉ tiêu biên chế nhiều nơi đã tuyển đủ và không còn chỉ tiêu cho giáo viên ngoại ngữ...

Ở một số nơi, việc thực hiện xã hội hóa huy động sự đóng góp của xã hội gặp khó khăn do năm học 2022-2023 môn Tiếng Anh sẽ là môn học bắt buộc nên theo Luật Giáo dục, giáo dục tiểu học là miễn phí.

Giáo viên còn hạn chế về năng lực ngôn ngữ, hiện còn có 5.634 giáo viên dưới chuẩn (24,75%) trong số này có nhiều người đã đi đào tạo nâng chuẩn nhiều lần vẫn không đạt.

Đáng nói nhiều địa phương chưa thực sự quyết tâm, nỗ lực tìm các giải pháp và linh hoạt để triển khai môn học và còn tư tưởng chờ đợi chỉ đạo từ cấp trên. Nhiều sở, phòng không có chuyên viên chuyên trách về ngoại ngữ để hỗ trợ việc quản lý triển khai hiệu quả do môn học đặc thù.

Cùng đó các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng gây khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học. Một số trường 100% là học sinh dân tộc thiểu số trong khi giáo viên tiếng Anh là người dân tộc Kinh cũng gây khó khăn cho việc học.

Ở môn Tin học, sự khó khăn cũng thể hiện trên nhiều mặt. Dù năm học 2021 – 2022 đã có 70% số trường, lớp, học sinh lớp 3, 4, 5 được học môn Tin học tự chọn theo CT GDPT 2006 nhưng chỉ tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển. Số 30% còn lại chưa triển khai day học môn Tin học tự chọn được là những nơi hết sức khó khăn. Dù chỉ còn 30% nhưng đó lại là thách thức lớn.

Về cơ sở vật chất, số phòng máy tính nhiều nơi đã xuống cấp, lạc hậu. Đồng thời hệ thống hạ tầng CNTT, mạng internet một trong những điều kiện dạy học môn Tin học cũng chưa đồng bộ nên con số cần phải đầu tư, trang bị không chỉ nằm trong số 30% số trường, lớp còn lại chưa được học Tin học.

Ở một số nơi không chỉ thiếu máy tính, hạ tầng mà còn thiếu phòng học, thậm chí thiếu đất xây phòng để có thể có phòng máy tính phục vụ dạy học.

Thực tế ở các địa phương cũng chỉ ra đội ngũ giáo viên có trình độ không đồng đều. Trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn, số giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành giáo viên Tin học chiếm tỉ lệ thấp, chủ yếu là đối tượng giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc số ít là đại học CNTT được bồi dưỡng chứng chỉ sư phạm.

Một số địa phương tuyển dụng đội ngũ giáo viên tin học của các trung tâm tin học trên địa bàn dạy hợp đồng cho nhà trường, đội ngũ này vừa không đạt chuẩn đào tạo vừa không đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học.

Bên cạnh chất lượng đội ngũ giáo viên còn hạn chế, việc thiếu giáo viên tiểu học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nói chung và thiếu giáo viên tin học để tổ chức dạy học môn Tin học nói riêng rất trầm trọng. Trong khi chỉ tiêu biên chế được giao cho tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương lại rất thấp không đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên Tin học nguồn tuyển hết sức khó khăn...

Cuộc họp đã nhận được ý kiến đóng góp của các đơn vị tham dự.

Đảm bảo quyền được học cho học sinh

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Việc thực hiện Chương trình GDPT mới đã diễn ra gần 2 năm nên bước vào triển khai với lớp 3 không bỡ ngỡ tuy nhiên tính chất của chương trình lớp 3 có nhiều điểm mới đòi hỏi nhà trường quan tâm.

Cụ thể, trước đây Tin học và ngoại ngữ ở lớp 1, 2 là môn tự chọn vì vậy một số địa phương đã tuyển được giáo viên, một số chưa tuyển được thì nhà trường hợp đồng đủ giáo viên giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Tuy nhiên khi Tiếng Anh, Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong Chương trình GDPT mới thì việc triển khai là trách nhiệm nhà nước, học sinh phải được học, nếu không được học thì không có đủ điểm xét lên lớp cho học sinh. Và khi trở thành môn học bắt buộc thì việc học phải đáp ứng được những yêu cầu chung về chất lượng, đáp ứng được chuẩn đầu ra…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý: Do Tin học, ngoại ngữ là môn học bắt buộc nên địa phương, nhà trường cần quan tâm đến quyền được học của học sinh. Không thể vì khó khăn mà không triển khai nên cần tập trung để sớm tìm giải pháp tháo gỡ. Cần mau chóng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để đáp ứng được điều kiện dạy học. Không nên “điền vào ô trống”, hoặc giải pháp tình thế khi bước vào triển khai từ đầu.

Trước vấn đề tuyển dụng và tăng chỉ tiêu giáo viên giảng dạy 2 môn học mới này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu Sở GD&ĐT các địa phương cần chủ động tham mưu với UBND tỉnh để báo cáo với HĐND xin tăng thêm chỉ tiêu giáo viên Tin học, ngoại ngữ khi thiếu.

Trường hợp không còn chỉ tiêu thì xin cơ chế đặc thù riêng để hợp đồng thêm. Việc tuyển và hợp đồng giáo viên cần được triển khai sớm để đảm bảo giáo viên kịp tham gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa trước khi bước vào giảng dạy. Tuyệt đối không để giáo viên chưa tham gia tập huấn, bồi dưỡng tham giảng dạy.

Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thực tế cho thấy quy mô các trường Tiểu học không lớn, như vậy số lớp 3 trong một nhà trường không nhiều. Nếu chỉ bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy đủ cho số lớp của trường thì định mức lao động cho một chỉ tiêu biên chế không phù hợp. Do đó cần bố trí giáo viên dạy liên trường trong cùng một huyện thậm chí địa phương.

Sở GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn chỉ đạo Phòng GD&ĐT coi giáo viên biên chế trong mỗi trường như nguồn tài nguyên để có thể “khai thác” dạy học liên trường phù hợp, hiệu quả.

Việc thu gom các điểm lẻ cũng cần thiết, hiệu quả để các địa phương, nhà trường tăng cường điều kiện cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả giảng dạy 2 môn Tiếng Anh, Tin học. Do đó Sở G&ĐT cũng cần quan tâm và linh hoạt trong việc dồn điểm trường lẻ…

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài khẳng định Vụ Tiểu học lắng nghe và tiếp thu những trao đổi thực tế, ý kiến đóng góp, giải pháp tháo gỡ của các địa phương trong công tác chuẩn bị triển khai thực hiện môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với lớp 3 năm học 2022- 2023.Trên cơ sở đó, Vụ sẽ có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp cho văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học môn Tin học, và Tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 gửi tới các địa phương trong thời gian tới.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc theo CT GDPT 2018: Bảo đảm quyền được học của học sinh