Dạy môn Lịch sử: Mô hình 'độc nhất vô nhị' của thầy giáo khiếm thị

Hoàng Vinh | 01/06/2022, 06:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bị mất thị lực hoàn toàn, thầy Hoàng Văn Khương - giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng đã nỗ lực vượt khó.

Để rồi, gần 21 năm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại ngôi trường này, thầy Khương hiểu rõ những khó khăn mà học sinh đang trải qua, đặc biệt là việc tiếp thu nội dung các bài giảng.

Không những vậy, với sứ mệnh là “người đưa đò”, thầy Khương đã tìm nhiều cách để giúp các em có được kiến thức, dù ít hay nhiều thầy cũng cố gắng. Thầy đã nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy hay và đơn giản giúp trò vừa tiết kiệm được thời gian học nhưng vẫn nắm vững được kiến thức.

Những sơ đồ mà thầy Khương nhờ người thân cắt dán và làm chữ nổi để hỗ trợ cho việc học của các em bị khiếm thị.

Dạy Lịch sử theo cách riêng

“Học sinh ở đây chủ yếu là khiếm khuyết, chính vì thế, việc dạy có phần vất vả hơn. Các em phải học chữ nổi, nhưng đối với môn Lịch sử, để hiểu và nắm kiến thức tôi phải nghĩ ra phương pháp dạy mới, giúp các em tiếp thu nhanh hơn.

Đối với các bài học có nội dung dài và phức tạp, tôi thường lọc lại các ý, sự kiện chính, từ đó đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề trò chưa hiểu. Ngoài ra, cách photo các ý chính thành cỡ chữ lớn hơn để em thị lực kém hoặc chậm phát triển về trí tuệ dễ đọc”, thầy Khương chia sẻ.

Nói về việc thiết kế bài giảng có “1 không 2” này, thầy Khương cho hay: So với các thầy cô khác trong trường, thầy không thể truyền tải môn học bằng hình ảnh được. Chính vì vậy, thầy luôn suy nghĩ, tìm tòi và phát minh ra những đồ dùng chuyển từ chữ sáng sang chữ nổi để các em quan sát một cách dễ dàng.

Theo thầy Khương, thông qua cách cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp thành hình các đồ dùng, con vật, biểu tượng... mô phỏng lại nội dung bài học. Qua các mô hình của thầy, học sinh bị mất thị giác hoàn toàn khi chạm vào sẽ dễ liên tưởng và nhớ bài lâu hơn.

“Những hình ảnh này tôi nhờ người thân, đồng nghiệp hỗ trợ cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp, những đồ dùng, đường đi của các hướng quân… trong môn học Lịch sử. Từ đó, tôi có thể bố trí mô phỏng lại các giai đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua các vật dụng này, giúp học trò khiếm thị có thể hiểu rõ bài hơn”, thầy Khương cho biết. Bên cạnh đó, thầy còn sử dụng các bài giảng của mình hoặc các bài phân tích của các chuyên gia được thầy ghi âm lại để mở cho học sinh nghe.

Thầy Khương cho hay, bằng sự đồng cảm và thương yêu học sinh, thầy luôn coi những em học sinh khiếm khuyết nơi đây như những đứa con của mình vậy. Thầy luôn cố gắng giảng dạy và sáng tạo những mô hình học tập để các em tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn.

Số phận của thầy Khương tuy không may mắn nhưng vẫn còn cơ hội được đứng trên bục giảng. Dù gian nan, vất vả, bản thân luôn vui vẻ. Vui vì giúp được những người đồng cảnh ngộ như mình biết chữ để hòa nhập cộng đồng, thêm yêu đời, yêu cuộc sống. “Tôi xem các em như là con cháu trong gia đình mình. Bản thân luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho các em với mong muốn sau này không còn tự ti và trở thành người có ích cho xã hội”, thầy Khương bộc bạch.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-mon-lich-su-mo-hinh-doc-nhat-vo-nhi-cua-thay-giao-khiem-thi-gy5a8h97R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-mon-lich-su-mo-hinh-doc-nhat-vo-nhi-cua-thay-giao-khiem-thi-gy5a8h97R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy môn Lịch sử: Mô hình 'độc nhất vô nhị' của thầy giáo khiếm thị