Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên tri thức, mỗi ngày khối lượng tri thức của nhân loại tạo ra khổng lồ hơn nhiều so với khả năng một con người có thể lĩnh hội, tiếp thu. Trong bối cảnh ấy, chúng ta luôn cảm thấy hoang mang, áp lực với việc bỏ lỡ điều gì đó quan trọng, và có ích cho tương lai phát triển của con em.
“Đó chính là nỗi lo bị bỏ lỡ (FOMO) của phụ huynh khiến họ bắt con đi học thêm ngay từ lớp 1 hết môn này đến môn khác. Nỗi lo cũng khiến giáo viên có áp lực phải dạy thêm ngoài thời gian trên lớp để đảm bảo các em đạt chuẩn khi so sánh với bạn bè đồng trang lứa”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Những áp lực và nỗi lo của người lớn vô tình dồn lên học sinh. Lịch học và làm việc trí óc liên tục khiến đứa trẻ stress, lo lắng, thiếu thời gian nghỉ ngơi; thời lượng và chất lượng giấc ngủ giảm sút; không còn thời gian cho hoạt động vui chơi, giải trí để hình thành những kỹ năng xã hội. Việc này kéo dài dẫn đến học sinh mất dần hứng thú và sợ học.
Nhiều em chìm đắm trong lịch học, cách thức giải trí và kết nối bạn bè duy nhất của chúng chỉ trên không gian mạng dẫn đến một thế hệ tự tin trên mạng nhưng tự ti trong cuộc sống thực tế; quan hệ rộng trên mạng khi có bạn nước ngoài nhưng cô đơn ngoài đời. Giỏi lý thuyết nhưng kém áp dụng, biến tri thức thành giá trị. Biết nhiều thứ như cầm, kỳ, thi, họa, ngoại ngữ, song chẳng biết mình đam mê gì.
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, nhiều phụ huynh đang quan niệm việc học và chơi như hai lĩnh vực đối lập nhau. Họ quá coi trọng giáo dục kiến thức mà coi nhẹ kỹ năng, phẩm chất. Trong khi đó, kiến thức trong xã hội sẽ lỗi thời rất nhanh. Nên có cách thức để giảm tải, cũng để phát triển hơn các kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho người học từ mầm non, tiểu học bằng các dự án học thông qua chơi. Điều đó không chỉ kết nối tri thức bài học với cuộc sống, mà còn là cách thú vị giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy, trí tưởng tượng, sáng tạo cách giải quyết vấn đề và để đưa ra quyết định độc lập.
Trong quá trình chơi, học sinh cũng phát huy kỹ năng xã hội, nhận diện và quản lý cảm xúc; tăng cường năng lực vận động, xây dựng lòng tin và hứng thú học tập. Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc định hướng việc học cho con thông thái, khoa học. Càng ở tuổi nhỏ, việc học thông qua hoạt động vui chơi có hướng dẫn càng quan trọng. Học thêm kiến thức các môn trên thực tế không mang lại nhiều giá trị vì nó bị lỗi thời và kèm theo hệ lụy về sự phát triển sức khỏe tâm thần lành mạnh của học sinh. - PGS.TS Trần Thành Nam