Theo đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam), phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 14/2, Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Theo đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam), cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”.
Chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền; tăng cường giám sát của Trung ương với việc thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Về phân cấp, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất, bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ; cần áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”, đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.
“Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo...”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Quan tâm đến nội dung phân quyền, đại biểu Thạch Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, Khoản 6 dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương có thể đề xuất phân quyền khi có đủ điều kiện, năng lực nhưng không xác định rõ tiêu chí đánh giá năng lực và điều kiện cần thiết.
Khoản 5 quy định chính quyền địa phương có thể chủ động phối hợp liên kết nội vùng, liên vùng nhưng không làm rõ cơ chế phối hợp, dẫn đến nguy cơ thiếu thống nhất giữa các địa phương.
Khoản 2 yêu cầu công khai, minh bạch, nhưng chưa có cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm việc thực hiện phân quyền không bị lạm dụng hoặc gây bất bình đẳng giữa các địa phương.
Vì vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung tiêu chí đánh giá điều kiện phân quyền theo hướng sửa Khoản 6 thành: "Chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý và đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ”.
Bổ sung cơ chế phối hợp liên vùng theo hướng sửa Khoản 5 thành: "Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi được phân quyền trên cơ sở quy hoạch vùng, có sự giám sát và điều phối của Chính phủ".
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được Luật hoá, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn băn khoăn, để tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi và thông suốt các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn. Do vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung nội dung vào Điều 18 của dự thảo Luật về Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.
"Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực… mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước", đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu quan điểm.