ĐBQH đề nghị cân nhắc việc tính thuế với những “gói hàng giá trị nhỏ” nhập khẩu qua biên giới để công bằng với hàng hoá sản xuất trong nước.
Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cần cân nhắc việc bổ sung một số hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế.
Đại biểu nhấn mạnh, Luật Thuế giá trị gia tăng được xây dựng vào năm 2008, tuy đã qua các lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). |
Về trường hợp chịu thuế, đại biểu cho rằng, liệt kê như dự thảo Luật gồm 26 mục là rất cụ thể, đảm bảo việc triển khai thực hiện. Trong đó, bổ sung quy định một số trường hợp hàng hoá nhập khẩu không phải chịu thuế.
Về vấn đề này, đại biểu đề nghị cân nhắc vì hiện nay ở một số cửa khẩu, hằng ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị mỗi loại hàng hoá có giá trị nhỏ.
Nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian.
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, hiện nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng hoá sản xuất trong nước.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này cho phù hợp thực tế.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho hay, qua thời gian dài thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, nhiều nội dung không còn phù hợp thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết.
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp.
Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến nhóm không chịu thuế.
Theo đại biểu, việc rà soát, sửa đổi quy định về nhóm không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Bên cạnh trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, còn một số trường hợp khác, như: Các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã...
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra không phải tính thuế giá trị gia tăng như dự thảo Luật xác định.