Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất tuyển dụng giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm. Đề xuất này được nhiều ĐBQH tán thành.
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành. Còn với các cơ sở giáo dục công lập khác, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm.
Tán thành với đề xuất trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh, cần thiết giao cho ngành Giáo dục được quyền tuyển chọn giáo viên. “Tuy nhiên, việc tuyển chọn giáo viên cũng nằm trong khung biên chế đã được cấp thẩm quyền cho phép” - đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý.
Khẳng định, việc ngành Giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên có nhiều ưu điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, phương thức này giúp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương.
Chẳng hạn, địa phương đang thiếu giáo viên môn Sử, ngành Giáo dục biết cần tuyển bao nhiêu người để bù đắp. Khi tuyển được giáo viên, ngành Giáo dục sẽ phân bổ về nơi đang thiếu giáo viên bộ môn đó.
Nghĩa là, ngành Giáo dục có thẩm quyền điều động, thuyên chuyển và phân công nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục; đồng thời, giao thẩm quyền cho các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện việc điều động, thuyên chuyển, biệt phái và phân công nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục.
Ảnh minh họa/internet. |
Hiện, nhà giáo đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức; Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, theo đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn ĐBQH Kiên Giang) – cho hay, những luật này chưa giải quyết được tính đặc thù trong lao động của nhà giáo.
Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể giải quyết hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục. Vì thế, cần đạo luật dành riêng cho nhà giáo để các thầy, cô được bảo vệ, tôn vinh xứng đáng và yên tâm công tác.
Ngoài ra, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, trong đó có các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, tình trạng thừa, thiếu giáo viên… và những chế tài xử lý khi nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
“Từ những phân tích trên, tôi cho rằng cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhằm đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung” – đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu quan điểm.
Về nguyên tắc, có học sinh phải có giáo viên, bởi việc thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, đào tạo. Theo đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), cần rà soát lại quy định phân cấp, phân quyền quản lý giáo viên. Nếu cần có thể điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Nên chăng, giao việc quản lý nhà nước về giáo dục cho ngành Giáo dục để chủ động điều chuyển giáo viên trong biên chế được giao.
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo. Cụ thể, chính sách này quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, hợp đồng nhà giáo, chế độ làm việc của nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo;
Các trường hợp sử dụng nhà giáo là: luân chuyển, thuyên chuyển và biệt phái nhà giáo; Quy định về chính sách đối với nhà giáo dạy liên trường; Quy định về chính sách tiền lương, hỗ trợ, thu hút nhà giáo; Chính sách thôi việc, nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo.ính sách này sẽ khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo gắn với đặc thù hoạt động của các cơ sở giáo dục.