Khi bánh có các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ, bị mốc… thì không nên luộc lại nữa mà phải bỏ đi do lúc này vi khuẩn đã xâm nhập, làm hỏng bánh. Do đó, việc bảo quản bánh chưng đúng cách rất quan trọng.
Cách bảo quản bánh sau Tết để không khiến cả gia đình "rước bệnh"
- Nơi bảo quản bánh chưng: Theo PGS Thịnh, nơi bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh lý tưởng nhất là ngăn đông. Ở nhiệt độ này vi sinh vật gần như không thể sống nổi, do đó không có lý do gì để các dinh dưỡng trong bánh chưng biến đổi. Ngoài ra, có thể để bánh trong ngăn mát, nhiệt độ từ 5-10 độ C. Ăn tới đâu, cắt tới đó, phần còn lại được gói kĩ trong túi nilon. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng), nên luộc, chiên hoặc hấp lại.
- Lưu ý khâu gói, luộc bánh chưng: Bánh chưng bảo quản được lâu hay không còn tùy thuộc vào các khâu vệ sinh lá bánh, gói bánh, luộc bánh, sau đó là tích trữ bánh. Lá dùng để gói bánh nên được rửa kỹ và để ráo nước. Quá trình gói không nên quá chặt tay hoặc quá lỏng tay. Trong khi nấu cần luộc làm sao để bánh được chín đều.
- Lưu ý vệ sinh bánh sau khi luộc chín: Sau khi bánh được vớt ra từ nồi, nên rửa lại bánh bằng nước sạch để loại bỏ nước, nhớt khi luộc còn bám trên bánh, tránh cho bánh bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Tiếp đó, hãy dùng mâm hoặc vải nilon phủ lên, sau đó đặt vật nặng đè lên trên.