Chiều 9/7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính của Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi; các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số và Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chuyển đổi số, cải cách hành chính được xem là một trong những trọng tâm công tác, khâu đột phá để đổi mới giáo dục - đào tạo nói chung, đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nói riêng. Đây cũng là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức họp thường xuyên. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp quan tâm đốc thúc công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Về nội dung này, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT được đánh giá đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, công việc này trong ngành còn nhiều thách thức.
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết:
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, triển khai nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều văn bản đã được Bộ GD&ĐT ban hành theo thẩm quyền.
Trong các ngày 6-7/5/2024 và 9-10/5/2024, Bộ GD&ĐT tổ chức chạy thử nghiệm, tập huấn các phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung năm 2024 cho các cơ sở giáo dục đại học và đầu mối các sở GD&ĐT trong cả nước. Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật phục vụ thí sinh đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến như đã thực hiện năm 2022, 2023.
Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Trong khuôn khổ triển khai của Đề án số 06, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức.
Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành Giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân (học sinh, giáo viên, nhà trường).
Theo đó, năm 2023, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục để khai thác cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục phục vụ quản lý điều hành của Bộ GD&ĐT hiệu quả.
Dịch vụ công trực tuyến được đưa vào sử dụng, cho phép 100% học sinh (khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (từ năm 2022). Cùng với đó, đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ gần 700.000 thí sinh (hàng năm) đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (từ năm 2022).
Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú, phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này.
Việc đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục (trong đó có việc thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt) phục vụ học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng xã hội số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.
Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT được nâng cấp và hợp nhất với Hệ thống một cửa điện tử, tạo thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ.
Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GD&ĐT đã số hóa (ở mức cơ bản), cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 50 thủ tục hành chính, trong đó có 34 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Cùng với kết quả nổi bật, ông Nguyễn Sơn Hải cũng nêu rõ một số khó khăn cần được tháo gỡ; một số tồn tại, hạn chế và kế hoạch công việc 6 tháng cuối năm 2024.
Đối với công tác cải cách hành chính, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính tiếp tục được lãnh đạo Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo, các đơn vị nỗ lực triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng.
Công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được ưu tiên tập trung nguồn lực, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Các đơn vị đã triển khai các văn bản đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính nội bộ; hoàn thành việc phê duyệt đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền…
Tại hội nghị, những ý kiến chia sẻ, trao đổi, thảo luận tập trung vào việc thí điểm học bạ số; triển khai xây dựng khung năng lực số cho người học; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục; dịch vụ công trực tuyến...
Quan tâm đến cơ sở dữ liệu ngành, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần điều chỉnh, thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu nhiều công sức và tăng chất lượng, hiệu quả công việc. Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, theo Thứ trưởng, cùng với việc mở ra một kỷ nguyên mới, những thay đổi tích cực, AI cũng đặt ra những vấn đề ngành Giáo dục phải đương đầu, nếu không chủ động, không lường trước sẽ rất lúng túng.
Khẳng định vai trò của chuyển đổi số, cũng như độ mới và khó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh trong triển khai cần hết sức quyết tâm, kiên trì, thay đổi cách tư duy, cách nghĩ. Cần phải chọn việc có trọng tâm, trọng điểm để triển khai trong thực tiễn.
Tương tự, với cơ sở dữ liệu ngành cũng phải khai thác, sử dụng mới biết còn gì thiếu nên bổ sung, điều gì chưa tốt cần điều chỉnh…, từ đó hoàn thiện. Bên cạnh có chế tài với các đơn vị không hoàn chỉnh dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; cần cho thấy những lợi ích đem đến cho cơ sở giáo dục, người học, phụ huynh.
Vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Thứ trưởng đề nghị đưa vào nhiệm vụ trọng tâm năm học để triển khai mạnh mẽ trong năm học tới...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, thời gian qua ngành đã làm được nhiều việc quan trọng trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính. Theo Bộ trưởng với một ngành có quy mô lớn, nhiều thách thức, các công việc chưa bao giờ là dễ dàng như ngành Giáo dục thì cần trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần bắt đầu từ tư tưởng, nhận thức và phải vượt qua được “sự ngại” để dám làm trong công việc này.
Với công việc chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng trong công việc là không giới hạn, vai trò quản lý phải đi sớm hơn, phải bắt đầu làm ngay.
Về một số việc cần làm trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo mỗi đơn vị cục, vụ hàng năm cần đăng ký một việc cụ thể ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ cho quản lý nhà nước phù hợp với đơn vị mình; có sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị. Bộ trưởng cũng yêu cầu triển khai ngay một số ứng dụng trong lĩnh vực quản lý ngành và xây dựng, triển khai khung năng lực số với cán bộ, công chức của Bộ GDĐT.
Về triển khai học bạ số, Bộ trưởng lưu ý đơn vị đầu mối bên cạnh đánh giá hoạt động thí điểm cần đề xuất các việc làm tiếp theo để chuẩn bị ứng dụng từ đầu năm học mới. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu triển khai một số chuyên đề sâu với sự tham gia của các chuyên gia; trong đó lưu ý việc làm sao để phát huy sự hỗ trợ của AI giải quyết một số vấn đề mà ngành đang đối mặt.
Trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia giao.
Trong đó, hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số cấp Tiểu học và có hướng dẫn phương án triển khai học bạ số trong năm học 2024-2025. Đưa vào khai thác, sử dụng các sản phẩm kết quả của dự án xây dựng Trung tâm quản lý, điều hành giáo dục. Phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành quy chế phối hợp và triển khai kết nối, đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học với cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm phục vụ thu thập thông tin việc làm sinh viên sau tốt nghiệp.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng phương án triển khai nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT quản lý” trong năm 2025; ban hành Khung năng lực số đối với người học; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng…