Tổng thư ký Quốc hội vừa có văn bản báo cáo về ý kiến thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo báo cáo, dự luật này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến góp ý với những nội dung khác nhau.
Cụ thể, về việc quy định chính sách bảo hiểm xã hội, có ý kiến đại biểu đồng tình phương án 1, có ý kiến lại đồng ý phương án 2 vì sát với chủ trương Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền rút bảo hiểm của người lao động. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến đối với cả hai phương án.
Đáng chú ý, có đại biểu đề nghị bỏ quy định sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội mới được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo lý giải của đại biểu, quy định này gây khó khăn cho người lao động bởi vì, khi người lao động cần để trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt mới cần rút bảo hiểm xã hội Nếu đợi 12 tháng sau mới nhận gây khó khăn cho cả người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc quản lý, kiểm soát.
Ngoài ra, dự luật cần bổ sung các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho người lao động. Cụ thể như chính sách hỗ trợ về tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, giúp họ vượt qua khó khăn khi mất việc, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 1, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, người lao động không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa.
Phương án 2, sau 12 tháng người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.