Để thực hiện chương trình mới, các trường học tại địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học theo các danh mục tối thiểu quy định của Bộ GD&ĐT.
Sau khi rà soát, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký mua sắm và vận động tài trợ để đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động dạy và học.
Đảm bảo quyền được tiếp cận với giáo dục chất lượng của học sinh
Tuy nhiên, theo đại biểu, do số lượng thiết bị trong danh mục tối thiểu theo quy định của chương trình mới khá nhiều, trong khi việc cấp, mua sắm cũng như vận động tài trợ hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu; đặc biệt là cấp tiểu học tại các vùng miền núi còn khó khăn. Nhiều địa phương trước đây đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiện tại nhiều thiết bị đã bị hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của bộ môn tiếng Anh và Tin học cả về chất lượng và số lượng còn gặp nhiều thách thức. “Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, thiết bị dạy học” - đại biểu Hà Ánh Phượng đề xuất; đồng thời mong muốn:
Chính phủ có chính sách cụ thể để thu hút, điều phối nguồn nhân lực là giáo viên dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, Tin học về với vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới hải đảo hoặc đẩy mạnh các chương trình thanh niên tình nguyện nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với giáo dục chất lượng của học sinh các vùng khó khăn.