Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng không nên đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử.
Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, tuyệt đối không nên đưa thuốc kê đơn vào danh mục phân phối qua thương mại điện tử.
"Chúng ta quản lý nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi, mà giờ lại tính tới bán thuốc online thì sẽ có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, rất khó phát hiện và xử lý", đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu, ở trên không gian mạng, các nội dung của Dự thảo Luật về bán thuốc qua sàn giao dịch điện tử còn rất đơn giản và rời rạc, chưa đủ tính khả thi.
Còn đối với thuốc không kê đơn, việc áp dụng thương mại điện tử phải được cân nhắc ở giai đoạn khi nền pháp lý của chúng ta đã được hoàn thiện chặt chẽ và phải được tổ chức trong một khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần cân nhắc quy định hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng.
Về quy định thông tin và quảng cáo thuốc, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). |
Đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý tiền kiểm đối với quảng cáo thuốc và các thực phẩm chức năng. Thực tế, hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Nhiều quảng cáo phóng đại gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng tràn lan trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, đã gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân.
Đại biểu đặt câu hỏi, thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn đang còn vướng khó quản lý như vậy liệu khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, có thể thực hiện quản lý tốt được không?
Hoạt động quảng cáo thuốc có tính chất rất khác với các nội dung từng đặt ra vấn đề hậu kiểm.
Đại biểu nêu thực tế, có bao nhiêu người trong số những người xem quảng cáo có đủ trình độ chuyên môn để đánh giá xem một sản phẩm thuốc hình thành từ các thành phần khác nhau có công dụng như thế nào, có tác dụng đến đâu.
Qua đó, nhằm đánh giá được quảng cáo đó có vi phạm, phóng đại, gây nhầm lẫn cho người sử dụng hay không.
Vì vậy, dù quảng cáo thuốc có vi phạm, người tiếp cận quảng cáo cũng khó có thể phát hiện ra để phản hồi đến các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, nên việc thực hiện chế độ hậu kiểm sẽ rất khó khăn.
Do đó, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục duy trì chế độ tiền kiểm như hiện nay. Đồng thời, cần tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng trong thời gian tới.