Đề nghị nghiên cứu thống nhất một bộ sách giáo khoa có hợp tình, hợp lý?

07/08/2023, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tiếp tục được quan tâm.

Nội dung các môn học được thiết kế theo chủ đề, chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của lớp học, cấp học trong từng môn và từng lớp học, cấp học. Mặt khác, chương trình mới cũng trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục. Nhờ đó, qua 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, kết quả tích cực ban đầu đã được thể hiện rõ rệt.

Về việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, nếu tất cả các trường trên địa bàn TP Hà Nội sử dụng chung danh mục SGK theo từng khối lớp sẽ có nhiều thuận lợi. Đối với các nhà trường, giáo viên sẽ thuận lợi chia sẻ, trao đổi về chuyên môn trong nhóm các trường có các điều kiện cơ bản giống nhau trong quận, thành phố, từ đó, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng hiệu quả vào thực tế giảng dạy tại địa phương mình.

Đối với cha mẹ học sinh, học sinh, điều này sẽ giúp tránh lãng phí, học sinh các khóa sau dễ dàng sử dụng lại SGK do học sinh khóa trước để lại. Đặc biệt, nếu học sinh chuyển trường (trong địa bàn thành phố) thì không ảnh hưởng đến tiến độ học tập của các em, học sinh không phải mua bộ SGK khác, không gây tâm lý lo lắng không cần thiết với học sinh khi học tập ở môi trường mới.

Nhà giáo Nguyễn Thế Đại, nguyên Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội): Trở về điểm xuất phát…

Đề nghị nghiên cứu thống nhất một bộ sách giáo khoa có hợp tình, hợp lý? ảnh 3
Nhà giáo Nguyễn Thế Đại.

Một chương trình với nhiều bộ sách được triển khai trong Chương trình GDPT mới 2018 là sự tiến bộ tiến tới một nền giáo dục khai phóng như nền giáo dục của những nước phát triển. Nếu chọn một bộ SGK cho một địa phương hay toàn quốc là sự trở về điểm xuất phát trước khi đổi mới giáo dục.

Việc yêu cầu nhà trường/giáo viên chọn sách để dạy cũng chỉ để phục vụ cho các nhà xuất bản lập kế hoạch xuất bản SGK có hiệu quả kinh doanh cao chứ không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học.

Chuẩn mục tiêu đào tạo, kiến thức kỹ năng của Chương trình GDPT mới là cơ sở pháp lý để đánh giá chất lượng GD&ĐT. SGK cũng chỉ là một loại sách tham khảo chính để giáo viên soạn giảng bài. Vì vậy, giáo viên giỏi là cần đọc tất cả các cuốn sách của các tác giả để soạn bài dạy học sinh của mình. Không nên quy định mỗi trường chọn sách của một nhà xuất bản để dạy và học. Làm như vậy cũng là áp đặt hạn chế sự chủ động sáng tạo và trách nhiệm giảng dạy của mỗi giáo viên.

Mỗi thư viện của nhà trường phải trang bị đủ các bộ SGK của các nhà xuất bản để giáo viên và học sinh tham khảo. Ngoài bộ sách chính mà nhà trường lựa chọn, giáo viên cần lựa chọn kiến thức hay từ nhiều nguồn để đưa vào bài dạy của mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Tránh tràn lan, tiêu cực

Đề nghị nghiên cứu thống nhất một bộ sách giáo khoa có hợp tình, hợp lý? ảnh 4
Cô giáo Nguyễn Thị Hà.

Phải nhấn mạnh Chương trình GDPT 2018 với “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” đang mang tới khởi sắc về thành tích, sự đổi mới trong công tác dạy và học của nền giáo dục nước nhà.

Trong quá trình triển khai chương trình bộc lộ hạn chế và nhận được phản hồi trái chiều từ dư luận nhưng việc thực hiện đã ổn định hơn, nhiều địa phương cũng đã chọn lựa sách ổn định đưa vào giảng dạy và nhiều giáo viên cũng đã quen với việc có nhiều bộ sách.

Đâu đó vẫn còn những hạn chế là nằm ở công tác quản lý phát hành sách, thẩm định và lựa chọn sách. Trong công tác lựa chọn sách, dư luận vẫn có những luồng thông tin, ý kiến về hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn SGK.

Việc chọn SGK nên được thực hiện với tinh thần đảm bảo phù hợp với đặc thù vùng miền, giáo viên, học sinh trong cơ sở giáo dục. Vì vậy, các hướng dẫn của cơ quan chức năng theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn SGK của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách là rất cần thiết. Khi chương trình của mỗi cấp học, lớp học đã là chuẩn thống nhất thì SGK đa dạng sẽ tăng sự lựa chọn học liệu cho phù hợp với điều kiện học tập của từng địa phương.

Trong thực tiễn giảng dạy, điều mà tôi thấy nhiều giáo viên băn khoăn về việc thực hiện nhiều bộ SGK là việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là đối với các kỳ thi lớn, có đảm bảo được sự thống nhất chương trình giữa các bộ sách hay không? Có thiên vị bộ sách nào không? Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần xem xét, cân nhắc thật thận trọng trong khâu thiết kế các bài kiểm tra, bài thi đảm bảo công bằng cho học sinh sử dụng các bộ sách khác nhau.

Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng SGK và giảm chi phí, gánh nặng cho phụ huynh đầu năm học mới, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Cần có các biện pháp để quản lý việc lựa chọn SGK tránh tràn lan, tiêu cực. Đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên Hội đồng lựa chọn SGK theo tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức.

Đồng thời, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực liên quan đến SGK. Ngoài ra, các trường có thể xã hội hóa, bổ sung vào thư viện sách danh mục cho mượn bao gồm cả sách giáo khoa để cho các học sinh có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn không bị gánh nặng từ chi phí mua sách.

Nhiều bộ sách vẫn “tiện đôi đường”

Kết thúc năm học 2022 - 2023, nhà trường đã thông báo tới cha mẹ học sinh đăng ký mua SGK cho năm học mới. Thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều bộ sách song đa phần phụ huynh lựa chọn việc mua sách ở trường.

Việc này cũng “tiện đôi đường” cho phụ huynh, giáo viên, vì khỏi mất thời gian đi lùng sục các nhà sách để mua được quyển đúng danh mục trường đưa ra. Do đó, cha mẹ học sinh chỉ cần ký vào tờ phiếu đăng ký mua SGK, nộp tiền, đầu năm học mới con sẽ được gửi về trọn bộ SGK.

Chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, nhà trường thông báo việc mua SGK tới phụ huynh và công khai danh mục sách, giá bán. Như vậy phụ huynh chúng tôi có quyền lựa chọn mua hoặc tự mua cho con ở ngoài. - Chị Đoàn Thị Hiền (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/de-nghi-nghien-cuu-thong-nhat-mot-bo-sach-giao-khoa-co-hop-tinh-hop-ly-post649587.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/de-nghi-nghien-cuu-thong-nhat-mot-bo-sach-giao-khoa-co-hop-tinh-hop-ly-post649587.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị nghiên cứu thống nhất một bộ sách giáo khoa có hợp tình, hợp lý?