Để tự chủ đại học 'cất cánh'

12/12/2023, 06:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều chuyên gia đề xuất, cần những chính sách riêng để giáo dục đại học có bước phát triển đột phá...

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học có những bước chuyển biến đáng ghi nhận. Trong bối cảnh mới, nhiều chuyên gia đề xuất, cần những chính sách riêng để giáo dục đại học có bước phát triển đột phá.

Nghị quyết riêng cho giáo dục đại học

Trong một số cuộc họp tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29/NQ-TW, lãnh đạo không ít trường đại học kiến nghị cần có nghị quyết riêng về giáo dục đại học. Theo đó, phải tạo điều kiện để giáo dục đại học thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia TPHCM (ngày 16/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị định dành cho 2 đại học quốc gia đang dần hoàn tất. Dự thảo được chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định lần thứ hai, sau đó sẽ trình Thủ tướng.

TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trường là một trong số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của cả nước được Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập và chương trình bồi dưỡng thường xuyên, ngắn hạn dành cho công chức, viên chức và người lao động…

Tuy nhiên, theo TS Hồ Văn Thống, nhà trường còn gặp khó khăn trong giao số lượng người làm việc, hợp đồng lao động hằng năm từ Bộ GD&ĐT với việc tuyển dụng và sử dụng viên chức. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút, “giữ chân” giảng viên có trình độ cao, nhà khoa học.

Khi có nghị quyết về giáo dục đại học, các trường sẽ có “cú hích” thúc đẩy, tăng cường tính tự chủ, đẩy mạnh tinh thần trách nhiệm, đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nêu một vướng mắc khác về thiết chế Hội đồng trường. Theo đó, thiết chế này khá mới mẻ với nhiều địa phương nên có cách hiểu khác nhau về thẩm quyền của Hội đồng trường, đặc biệt trong công tác bổ nhiệm viên chức, thành lập các trường chuyên môn theo Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, để xây dựng Hội đồng trường đích thực, nhà trường phải thực hiện hiệu quả một số mục tiêu, nhiệm vụ: Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của nhà trường; kiên quyết thực hiện đúng theo tinh thần đổi mới giáo dục đại học, nhất là định hướng Hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất; Bí thư cấp ủy đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường đại học…

Trong quá trình thành lập, vận hành Hội đồng trường cần bám sát các quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, hướng dẫn của Nghị định 99, đồng thời cần sự ủng hộ, đồng thuận và chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan chủ quản và cấp ủy Đảng của địa phương.

Còn PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách riêng để giáo dục đại học tạo bứt phá mới. Theo PGS.TS Lương Minh Cừ, trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học, vai trò của người đứng đầu là yếu tố then chốt, quyết định. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Ngoài ra, nhà trường phải tăng cường đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội; coi trọng quản lý chất lượng; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Nhà trường cũng cần chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Một cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Trường được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ giai đoạn 2015 - 2017. Ảnh: HUIT
Một cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên tại Trường Đại học Công Thương TPHCM. Trường được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ giai đoạn 2015 - 2017. Ảnh: HUIT

Phát huy tự chủ

Ghi nhận những thành tựu mà giáo dục đại học gặt hái sau quá trình đổi mới, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29, song TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá còn một số hạn chế nhất định. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học quá khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, con số này chỉ chiếm 0,27% GDP và khoảng 4% ngân sách dành cho giáo dục nói chung.

Nhận thức về tự chủ đại học hiện nay ở các trường theo TS Lê Viết Khuyến, còn nhiều sai lầm. Tự chủ đang bị đánh đồng với “tự túc” tài chính. Cơ chế trao quyền, phân quyền tự chủ ở các trường đại học còn nhiều vướng mắc. TS Lê Viết Khuyến cho rằng, khi đã trao quyền tự chủ, phải xác định cụ thể trao quyền cho ai và không thể trao cho một cá nhân, phải dành cho một tập thể lãnh đạo - chính là Hội đồng trường.

Việc thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Tuy nhiên, quyền hạn, trách nhiệm giữa Hội đồng trường và ban giám hiệu còn nhiều điểm chồng chéo, chưa rõ ràng; Hội đồng trường chưa phát huy được khả năng thực sự.

“Những vướng mắc trên đặt ra vấn đề cần có nghị định riêng cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chủ đại học”, TS Lê Viết Khuyến nhận định.

Vấn đề này từng được đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phân tích tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Quốc hội ở Kỳ họp thứ 6 (ngày 1/11).

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, đại học có vai trò lớn trong việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, giữ gìn và lan tỏa văn hóa, thúc đẩy quốc gia đổi mới sáng tạo. Để đại học thực hiện được sứ mệnh này cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn. Trong đó, chính sách phát huy tự chủ đại học, vai trò của Hội đồng trường gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần được đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, Hội đồng trường là thiết chế giúp cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng quản trị, giám sát và trách nhiệm giải trình. Thành viên Hội đồng trường quyết định khả năng triển khai hoạt động, thực hiện quản trị chất lượng, hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Tuy nhiên, hiện có một số tồn tại, hạn chế khiến chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất và thực hiện đầy đủ chức năng của Hội đồng trường như thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức Hội đồng trường, việc giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, kiểm toán nội bộ…

Do đó, ông Vương Quốc Thắng đề nghị Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99, trong đó đưa ra tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện để một cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ; quy định cụ thể, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường gắn với trách nhiệm quyền hạn thể chế hóa nội dung Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học. Quy định phương thức công khai kết quả kiểm định và giám sát khách quan, chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, Chính phủ nên ban hành nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Trong đó, nhất quán quan điểm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, quy định mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Nghị định này sẽ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ cấu quản trị, điều hành, khung tổ chức và hoạt động, bộ công cụ giám sát hoạt động bên trong cũng như thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học tự chủ; quy định rõ cơ chế chức năng giám sát của Hội đồng trường.

Sinh viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM trong giờ học. Đây là một trong những trường thành viên thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ sớm nhất trong Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM trong giờ học. Đây là một trong những trường thành viên thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ sớm nhất trong Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Cơ chế đặc thù cho đại học quốc gia

Với khối đại học quốc gia, nghị định riêng về cơ chế, chính sách và nguồn lực phù hợp, tương xứng với sứ mệnh đặt ra cũng là mong muốn của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM. Hiện, quyền hạn của đại học quốc gia tuân theo quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 nên các vấn đề về chuyên môn, tài chính, nguồn lực chưa có tính đặc thù để có thể thúc đẩy đơn vị phát triển đúng tầm.

TS Lê Viết Khuyến nhận định, 2 đại học quốc gia và cả những đại học vùng đang hoạt động theo mô hình liên hiệp các trường đại học chuyên ngành, chưa phải là một đại học đa lĩnh vực, có quyền tự chủ thực sự. Về mặt pháp lý, các trường đại học thành viên thuộc 2 đại học này hiện hoạt động gần như những trường đại học độc lập. Trong khi đó, đại học quốc gia là nơi để thí điểm nhiều chính sách giáo dục đại học nên cần được có cơ chế để đảm bảo sự khác biệt. Do đó, phải có nghị định riêng tạo những cơ chế, chính sách phù hợp về sử dụng nguồn lực, con người, tài chính cho đại học quốc gia.

Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với 2 đại học quốc gia tại TPHCM (tháng 9/2023), PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM mong muốn, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về đại học quốc gia và Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị. Theo ông Vũ Hải Quân, nghị định mới cần làm rõ quy định trong Khoản 2, Điều 8 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018: “Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy”.

Giữa tháng 8/2023, Tiểu ban giáo dục đại học, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực họp phiên thứ nhất với chủ đề “Định hướng báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29/NQ-TW”.

Đề xuất nên có nghị quyết riêng về giáo dục đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, vai trò dẫn dắt của giáo dục đại học với sự phát triển của địa phương, vùng miền chưa được làm rõ; có sự bất bình đẳng trong giáo dục đại học giữa các vùng miền.

Theo ông, cần tạo ra hệ thống các trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo; nâng tầm giảng viên phải là nội dung chiến lược trong thời gian tới, trong đó trường đại học, giảng viên ngoài đào tạo, nghiên cứu khoa học phải tham gia vào tư vấn chính sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để tự chủ đại học 'cất cánh'