Đề xuất luật hoá 'nhà ở di động' phù hợp với giới trẻ

Theo Luân Dũng | 19/06/2023, 13:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nhà ở di động là một giải pháp khả thi, giúp người dân có ngay một chỗ ở mới với thời gian nhanh hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà tạm hay nhà kiên cố

Nhà ở di động có thể được sử dụng nhiều lần

Sáng 19/6, tại ngày làm việc đầu tiên kỳ họp đợt 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) băn khoăn khi dự thảo Luật chưa có quy định về nhà ở di động, trong khi đây là loại nhà được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng từ lâu.

Tại Việt Nam, theo ông Cảnh, hiện cũng đã bắt đầu sử dụng loại hình nhà di động nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch, nhà vườn, cắm trại.

Đề xuất luật hoá 'nhà ở di động' phù hợp với giới trẻ - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). (Ảnh: Như Ý)

Đại biểu đoàn Bình Định, người từng đề xuất về trang phục áo dài ngũ thân , cho biết: Tại Mỹ, nhiều khu phố cũng đã được hình thành nhanh chóng nhờ vào việc sử dụng nhà ở di động đã được lắp đặt sẵn cho những khu dân cư mới hoặc những khu đất được cho thuê, mua.

Theo ông Cảnh, hiện nay, việc tái định cư cho người dân để triển khai các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn là làm sao để người dân nhanh chóng có chỗ ổn định.

Một vấn đề cấp bách hiện nay nữa là việc chuyển dân cư ở các khu chung cư cũ không đảm bảo an toàn để sống tạm ở một khu vực khác trong thời gian chung cư cũ được cải tạo hay xây mới.

Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nhà ở di động là một giải pháp khả thi, giúp người dân có ngay một chỗ ở mới với thời gian nhanh hơn rất nhiều so với việc xây dựng nhà tạm hay nhà kiên cố. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của nhà ở di động cũng được bảo đảm không khác gì với nhà ở thông thường.

“Nhà ở di động có thể được sử dụng nhiều lần. Nhà nước, nhà đầu tư có thể mua, thuê lại đảm bảo chi phí hợp lý, không bất tiện, lãng phí như việc làm nhà tạm cho người dân sinh sống trong thời gian dài”, ông Cảnh cho hay.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, việc luật hóa nhà ở di động giúp người dân có thêm lựa chọn cho nơi sinh sống của mình phù hợp với tài chính, phù hợp với cuộc sống năng động của người trẻ.

Người dân cũng có thêm nhiều lựa chọn cho việc mua đất gắn liền với nhà ở, thuê đất và mua nhà ở di động đặt vào để sinh sống và sau này khi chuyển nơi khác thì cũng có thể chuyển nhà ở di động đến nơi ở mới.

Mặt khác, loại nhà này mới cũng phù hợp với việc phục vụ cho phòng chống thiên tai, thảm họa hay dịch bệnh để các đội ngũ y tế cứu hộ an ninh, tình nguyện viên cũng có thể phục vụ thời gian dài.

Ông Cảnh cũng cho rằng, nếu nhà ở di động được chấp nhận đưa vào luật thì cần có quy định khu vực dành cho loại nhà này thường là khu ngoại ô, đất thương mại được thiết kế cho mục đích ở; đối với trường hợp bố trí cư dân ở các khu chung cư ở tạm để xây lại thì cũng cho phép lập khu vực này ở trên đất công ích của địa phương.

Liên quan đến các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung quy định về việc hạn chế vật nuôi trong chung cư sẽ được quy định tại hội nghị nhà chung cư. Việc cho phép nuôi vật nuôi trong chung cư phải tuân thủ theo pháp luật về thú y và quy định của hội nghị nhà chung cư.

Đề xuất luật hoá 'nhà ở di động' phù hợp với giới trẻ - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Như Ý

Tranh luận thời hạn sở hữu nhà chung cư

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặc biệt lưu ý tới vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ. Ông đánh giá cao dự thảo luật đã dành 1 chương để quy định, song đây là vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến tranh cãi như điều kiện phá dỡ, tỷ lệ đồng ý phá dỡ…

Việc cải tạo chung cư cũ còn khó khăn, theo ông Cường, nguyên nhân sâu xa do quy định sở hữu không thời hạn . Trong tương lai, nhà chung cư cũ đều là nhà cao tầng, khi phá dỡ, không có chuyện nâng cao tầng nữa. Tất cả người dân ở đó muốn nhà mới phải bỏ tiền ra, không có nhà đầu tư nào tham gia.

Theo ông Cường, nếu quy định sở hữu dài hạn, có thời hạn thì khi đó, quyền của người dân không còn gì, có chăng chỉ là quyền duy nhất ghi trên giấy chứng nhận sở hữu nhà. Vì vậy, ông đề nghị quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời gian công trình thiết kế. Kèm theo đó, đến thời hạn mà bên thiết kế nếu đánh giá, kiểm định lại vẫn đạt chất lượng thì vẫn tiếp tục được kéo dài. Đất xây nhà chung cư là loại đất cho thuê theo thời hạn sử dụng và trả tiền 1 lần.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ mang lại 2 điểm lợi: Người sở hữu nhà chỉ trả tiền cho thời gian cố định đó chứ không phải trả tiền vô thời hạn nhưng tới khi tháo dỡ vẫn phải bỏ tiền ra.

“Nếu quy định nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác”, ông nói.

Tranh luận sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao, hiệu quả kinh tế, xã hội càng lớn. Nếu không sẽ thành khuyến khích các chung cư có thời hạn 20 – 40 năm, trong khi ở nước ngoài, tuổi thọ nhà chung cư ngày càng cao, có thể lên tới 99 năm.

"Nơi ở dài hạn, từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhu cầu rất lớn, củng cố mối quan hệ gia đình. Ở nước ngoài có các khu chung cư cả trăm năm, có sửa chữa", ông Nghĩa đặt câu hỏi: Việt Nam đang tồn tại bao nhiêu chung cư sở hữu không thời hạn? Theo ông Nghĩa, nếu quy định sở hữu có thời hạn thì vẫn sẽ phải xử lý những trường hợp đã quy định sở hữu dài hạn, khi các tòa nhà này xuống cấp, phải tháo dỡ.

Từ thực tế đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất duy trì cả hình thức sở hữu chung cư vô thời hạn và có thời hạn để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, khi chọn sở hữu chung cư dài hạn thì phải tuân thủ sự an toàn.

Đại biểu nêu ví dụ, tại Singapore, nhà ở thương mại có thể lên tới hàng trăm năm, nhưng khi tới thời điểm không an toàn, các công ty phát triển bất động sản thương thảo với người dân để mua lại công trình cũ để duy tu, xây dựng mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất luật hoá 'nhà ở di động' phù hợp với giới trẻ