Cũng có ý kiến nêu việc ràng buộc điều kiện quá chặt chẽ đối với bên chuyển nhượng dự án khi chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để thực hiện, không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ dẫn đến dự án không đủ điều kiện chuyển nhượng và tiếp tục đình trệ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc quản lý chặt chẽ đối với bên nhận chuyển nhượng sẽ bảo đảm cho dự án tiếp tục được thực hiện, hạn chế tình trạng chuyển nhượng nhiều lần hoặc thâu tóm dự án bằng cách mua lại cổ phần của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.
Phát triển theo hướng an toàn, bền vững
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng với Luật Đất đai và Luật Nhà ở, đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường bất động sản, đóng góp vào quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm quyền có nơi ở hợp pháp của công dân.
Sau 10 năm, Quốc hội tiếp tục xem xét sửa đổi đồng thời cả 3 luật này để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo ông Hải, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. “Đây là 2 định hướng quan trọng cần bám sát trong quá trình xây dựng luật. Các quy định phải tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ để thị trường phát triển theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững”, ông Hải nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế và Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp nhất.
Đối với những nội dung không thống nhất được thì đề xuất các phương án, có phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng phương án; Bộ Xây dựng báo cáo với Chính phủ đưa ra quan điểm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.