Không phải cứ có ý tưởng là đi vào thực hiện, cần bàn bạc, trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến trong tổ chuyên môn, liên tịch, hội đồng chuyên môn, chuyên gia giáo dục hay giúp học sinh hiểu, tiếp cận, thích nghi với hình thức kiểm tra đánh giá này qua những hoạt động mang tính thử nghiệm mức độ nhẹ trước.
“Việc cho điểm bằng hình thức “thả tim, đếm like, share” trên trang mạng xã hội hay bất cứ hình thức nào phải đưa yếu tố pháp lý lên hàng đầu. Đó chính là các thông tư, văn bản quy định của ngành Giáo dục về kiểm tra đánh giá. Nếu nội dung nào không được ghi chi tiết trong văn bản của ngành thì phải thông qua (có văn bản thống nhất) các hội đồng, ban, tổ, nhóm trong đơn vị”, cô Hà cho hay.
Tuy nhiên, cô Hà lưu ý, “thả tim, like, share”… trên trang mạng đòi hỏi học sinh, giáo viên nắm rõ cách thức để thực hiện đúng yêu cầu. Vì khi kiểm tra đánh giá trên trang mạng xã hội, ngay lập tức kết quả có nhiều người biết đến. Ngoài ra, khi giáo viên đưa ra hình thức này phải dựa vào thực tế điều kiện cũng như năng lực từng học sinh, đồng thời chú trọng yếu tố tất cả được tham gia, tránh tình trạng em có, em không.
Chia sẻ quan điểm, thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) cho hay, đối với Chương trình GDPT 2018, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá đã và đang được cơ sở giáo dục quan tâm, thực hiện. Theo đó, cơ sở pháp lý để công tác này được triển khai mạnh mẽ chính là Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh THCS và THPT với tư duy mở, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện theo chương trình mới.
Ngoài các nội dung hướng dẫn chi tiết việc thực hiện công tác kiểm tra đánh giá thì định nghĩa lại hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận công nghệ thông tin, xu thế mới là một trong những điểm sáng của thông tư. Thông tư cho phép giáo viên khi tham gia giảng dạy ở trường phổ thông có thể đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục.
“Trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên được quyền tổ chức đa dạng hình thức khác với phương pháp kiểm tra “giấy trắng, mực đen” như trước kia. Tôi đánh giá, đây là hoạt động giáo dục mang tính tích cực, phù hợp sự năng động hiện nay của thế hệ Gen Z và xã hội. Bởi không có phương pháp nào hữu hiệu nhất, cũng không có phương pháp nào tồi tệ nhất.
Giáo dục phải hài hòa và tổng hòa các phương pháp để có hiệu quả cao. Quá trình kiểm tra đánh giá cũng vậy, người dạy và học cần có tư duy mới, mở rộng và năng động để cùng hội nhập vào thời đại công nghệ số. Đối với tôi, điều tâm đắc nhất ở Thông tư 22 là việc biến kiểm tra đánh giá từ áp lực kết quả thành thước đo quá trình. Đây là điều đáng hoan nghênh của Chương trình GDPT mới”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Theo kế hoạch, sau khi xem kịch, tổ Ngữ văn sẽ cho các em viết cảm nhận và đưa lên mạng xã hội. Qua hoạt động này, học sinh được rèn kỹ năng làm việc nhóm, cộng tác, chia sẻ thông tin, cảm nhận văn học nghệ thuật, xử lý hình ảnh âm thanh, sử dụng công nghệ thông tin. Nhà trường sẽ chung tay cùng gia đình giáo dục các em biết cách sử dụng mạng xã hội. Những sản phẩm làm ra từ tâm hồn tươi đẹp của các em cần được lan tỏa”.