UBND TP Hà Nội vừa có quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ).
Theo Cục Di sản Văn hóa, đền Hát Môn còn gọi là đền Quốc tế, đền Hai Bà Trưng. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại.
Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Đền quay hướng Tây Nam gồm các công trình kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách, khu phụ…
Trong đó, Quán Tiên là một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45cm, tạo ba bậc lên nền quán. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.
Miếu Tạm ngự nằm phía trước bên phải đền chính, là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.
Đặc biệt, ở phía sau hậu cung đền có gò Dấu Ấn. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.
Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh vùng sông Hát góp phần làm giàu thêm nội dung và tôn cao giá trị của đền thờ Hai Bà Trưng.
Với những giá trị đặc biệt, di tích đền Hát được Thủ tướng quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Trong quyết định công nhận điểm du lịch, UBND TP Hà Nội giao địa phương trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.