Đến với bài thơ hay: Lắng đọng từ cội nguồn yêu thương

14/01/2024, 17:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với nhà thơ, mẹ chính là cội nguồn yêu thương lắng đọng nhất, là điểm tựa và niềm tin lớn nhất trong cuộc đời.

Mẹ nằm như lúc còn thơ

Mà con trước mẹ già nua thế này.

5.

Trở về với mẹ ta thôi

Giữa bao la một khoảng trời đắng cay

Mẹ không còn nữa để gầy

Gió không còn nữa để say tóc buồn

Người không còn dại để khôn

Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm

Tôi còn nhớ hay đã quên

Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ

Nhuộm tôi hồng những câu thơ

Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời

Trở về với mẹ ta thôi

Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.

Trong số những bài thơ hay nhất của thi sĩ tài hoa Đồng Đức Bốn (1948 – 2006), người có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự cách tân và phát triển của thơ lục bát Việt Nam, không thể không nói đến bài thơ “Trở về với mẹ ta thôi”. Với nhà thơ, mẹ chính là cội nguồn yêu thương lắng đọng nhất, là điểm tựa và niềm tin lớn nhất trong cuộc đời.

Bài thơ hấp dẫn và chinh phục được người đọc không chỉ ở ngôn từ giàu hình ảnh, cách diễn đạt sáng tạo, rất ấn tượng được thể hiện qua giọng điệu thơ lục bát êm dịu như lời ru của mẹ mà còn ở tình cảm chân tình và tấm lòng yêu thương, biết ơn mẹ vô cùng sâu nặng. 46 câu có sự liên kết liền mạch năm đoạn lục bát, cùng là những cảm xúc chân thành đối với mẹ nhưng mỗi đoạn lại có giá trị tương đối độc lập, phác họa nên chân dung người mẹ ở những góc cảm xúc và nỗi nhớ thương khác nhau.

Đoạn đầu là ấn tượng chung về người mẹ già tóc “đã bạc trắng trời”,“Cả đời buộc bụng thắt lưng”, nhường nhịn, yêu thương và hy sinh vì gia đình. Hoàn cảnh sống dù khó khăn đến thế nào mẹ vẫn giàu tình yêu và lạc quan. Đoạn thứ hai phác họa lại chân dung người mẹ thật bình dị, giống như muôn ngàn bà mẹ Việt Nam khác, từng trải qua bao vất vả vẫn nhẫn nại, chịu thương, chịu khó. Vì gia đình, vì các con, mẹ sẵn sàng “Còng lưng gánh chịu gió mưa” cuộc đời. Lời thơ dung dị nhưng hình ảnh gió mưa cuộc đời nhiều sức gợi khiến lòng người rưng rưng xúc động.

Đoạn thứ ba, tác giả nhớ lại công việc của mẹ vì mưu sinh, riêng việc mua bán đồng nát ve chai rất đỗi cơ cực khiến nhân vật trữ tình ám ảnh nhiều nhất:

“Mẹ mua lông vịt chè chai

Trời trưa mưa nắng đôi vai lại gầy”

Ở đây, hình ảnh tương phản giữa người mẹ nhỏ bé, “đôi vai lại gầy” với “Lời rao chìm giữa gió sương” và không gian mưa nắng rộng lớn của đất trời, nhất là tiếng rao của mẹ gợi nên bao thương cảm, xót xa khiến “Con đi cách mấy thôi đường còn đau”. Đoạn thứ tư nói về sự ra đi của mẹ khá bất ngờ “Giữa khi cát bụi đầy trời”, người con vội vã “vượt núi băng ngàn” trở về nhưng cũng đã muộn, không kịp vuốt mắt cho mẹ lần cuối: “Về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng”. Thiên nhiên vũ trụ đầy giông gió như cũng muốn thét gào đồng cảm cùng với nỗi đau mất mẹ của người con:

“Trời hôm ấy chửa hết giông

Đất hôm ấy chẳng còn bông lúa vàng”

Toàn bài nói chung, ở phần cuối nói riêng, nhà thơ có sự sáng tạo độc đáo trước hết ở lối ngắt nhịp. Luật thơ lục bát quy định ngắt nhịp chẵn. Nhưng bài này, gần chục lần thi nhân ngắt nhịp lẻ: Có khi là 3/1/4 như: “Mẹ như tằm/ nhả/ bỗng dưng tơ vàng” và “Mà tóc mẹ/ đã/ bạc sang trắng trời”; hoặc“Nát chân tìm/ cái/ chửa chưa có gì”. Cũng có khi ngắt nhịp lẻ ở những câu thơ liền kề nhau 3/3 và 3/5 ở những câu như: “Trời hôm ấy/ chửa hết giông// Đất hôm ấy/ chẳng còn bông lúa vàng”. Phần cuối nhiều câu ngắt nhịp lẻ nhất 3/5: “Giữa bao la/ một khoảng trời đắng cay”; và câu kết toàn bài: “ Lỡ mai chết/ lại mồ côi dưới mồ”.

Việc biến nhịp và vần điệu của thơ lục bát bình thường sẽ tạo nên âm hưởng du dương, êm đềm như dòng sông chảy xuôi. Thay nhịp chẵn bằng nhịp lẻ khiến cho điệu thơ ấy trúc trắc, gồ ghề như nỗi lòng người con xót đau quặn thoắt cả tâm can vì mẹ không còn nữa. Mặt khác, nhà thơ đã phát huy tối đa hiệu quả của sự tương phản giữa hai hình ảnh mẹ và con:

“Mẹ nằm như lúc còn thơ

Mà con trước mẹ già nua thế này”

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mẹ đã hoàn thành sứ mệnh với cuộc đời nên ra đi thanh thản như trẻ thơ nằm ngủ an nhiên, vô tư. Mẹ đi rồi… Nỗi đau thương mất mát quá lớn này khiến người con trai gánh nặng của niềm đau lại như già nua hơn rất nhiều. Điều tưởng như phi lý này lại có ý nghĩa đặc biệt khắc sâu thêm nỗi xót đau và thương cảm đối với mẹ.

Thơ Đồng Đức Bốn không chỉ là tiếng nói của cảm xúc mà còn hàm chứa nhiều suy tư có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Nghệ thuật điệp cú “Trở về với mẹ ta thôi” (2 lần) cùng điệp ngữ “không còn nữa” (3 lần) đầy ám ảnh, vừa như một lời tự nhủ, vừa như một tiếng vọng thiết tha vang trong tâm tưởng của đứa con đã từng trải bao đắng đót của cuộc đời. Người con ấy lúc nào cũng coi mẹ là niềm tin và là điểm tựa lớn nhất “Giữa bao la một khoảng trời đắng cay”.

Hai câu thơ khép lại toàn bài: “Trở về với mẹ ta thôi/Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ” là một sự chiêm nghiệm về sự ra đi tất yếu và vô thường của kiếp người.

Giờ đây, thi sĩ Đồng Đức Bốn trở về với mẹ của mình gần hai mươi năm rồi. Sự trở về của nhà thơ tài hoa “có nhiều bài thơ cực hay” (chữ dùng của Nguyễn Huy Thiệp) đã để lại bao nỗi đau xót, nhớ nhung, thương tiếc cho người thân và bạn đọc. Tuy tác giả đã đi xa nhưng những tình cảm và đóng góp riêng của ông đối với thơ ca Việt Nam và với cuộc đời còn mãi…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-lang-dong-tu-coi-nguon-yeu-thuong-post668570.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-lang-dong-tu-coi-nguon-yeu-thuong-post668570.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến với bài thơ hay: Lắng đọng từ cội nguồn yêu thương