Các xét nghiệm có nghi ngờ carcinoma trong dịch tiết vú trái và có các tế bào không điển hình trong dịch tiết tuyến vú phải.
Với kết quả chẩn đoán xác định ung thư tuyến vú (T3N1M1), bệnh nhân được chuyển Bệnh viện K điều trị theo phác đồ.
Với trường hợp này, PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết, người bệnh vì đi khám quá muộn, nhưng may mắn là bác sĩ đã chẩn đoán rất bài bản và đầy đủ, từ siêu âm, X quang đến chụp MRI tuyến vú; rồi sau đó là sinh thiết khối u và chụp cắt lớp vi tính toàn thân đánh giá giai đoạn; để đưa ra chẩn đoán xác định cho người bệnh.
“Ở nhà tôi chỉ nghĩ là đi khám xem xương khớp làm sao, nào đâu ngờ lại ra ung thư di căn. Giá như tôi không chủ quan, không chần chừ đi kiểm tra sức khỏe từ một năm trước thì có lẽ đã không để bệnh nặng như thế này.” - Chị Đ.H.T cho biết.
90% dịch tiết bất thường ở vú là do ung thư, cần đi khám ngay
PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng cho biết, bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ nếu thấy có tiết máu, tiết dịch ở vú bất thường thì 80-90% nghĩ đến bệnh lý tuyến vú, vì vậy khi thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường này, để tránh hậu quả đáng tiếc, chị em nên cảnh giác đi khám ngay.
Trường hợp bệnh nhân Đ.H.T, mặc dù xuất hiện dấu hiệu bất thường này 1 năm trước, nhưng chủ quan đến khi đi khám thì ung thư đã ở giai đoạn cuối và di căn. Qua đây, chuyên gia lưu ý với bác sĩ thăm khám về những dấu hiệu lâm sàng này cần nghĩ đến đầu tiên, cùng với việc sờ thấy bất thường ở tuyến vú khi khám vú hai bên để có chỉ định phù hợp, tránh bỏ sót bệnh.
Ung thư vú là bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng hơn 165.000 ca mắc ung thư mới, trong đó có khoảng 15.229 ca ung thư vú (chiếm 20,6% tổng số các loại bệnh ung thư ở phụ nữ).
Điều đáng lo lắng là những năm trở lại đây độ tuổi mắc ung thư vú ở nước ta ngày càng trẻ hóa và hay gặp hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên, do sự chủ quan, ngại đi khám nên đa số chị em đi khám khi có dấu hiệu bất thường (như khối u/ cục trong vú, đau vú, thay đổi kích thước, màu sắc, tiết dịch...), lúc này đi khám thì đại đa số bệnh đã trở nặng và gây tốn kém chi phí điều trị, tuổi thọ của người bệnh.
Vì vậy, để an tâm kiểm soát bệnh ung thư vú trong tầm tay, chuyên gia khuyến cáo chị em nên tầm soát định kỳ hàng năm. Đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như: tuổi tác (tuổi sau 50), di truyền, tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc ung thư vú, tiền sử mắc ung thư vú, sử dụng hormone nữ giới, thói quen uống bia rượu, thừa cân/béo phì, hoặc tiếp xúc với các chất gây ung thư...