Ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ vào tháng 1/1973 tại Paris. Cuộc đàm phán của họ đã dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ảnh: AP.
Đến Trung Quốc
Một trong những thắng lợi lớn nhất của chính sách Nixon-Kissinger là sự mở cửa mang tính đột phá đối với Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông. Washington từ lâu đã ủng hộ chính quyền của Quốc dân đảng, vốn trốn khỏi đại lục sang đảo Đài Loan vào năm 1949. Bất chấp cuộc Cách mạng Văn hóa vào giữa những năm 1960, Nixon và Kissinger coi Chủ tịch Mao là người sẵn sàng đàm phán sau khi Trung Quốc gây chiến tranh biên giới với Liên Xô vào năm 1969.
Quốc gia quan trọng hỗ trợ việc xích lại gần nhau giữa Washington và Bắc Kinh là Pakistan, nước đã chiến đấu với Ấn Độ được Mátxcơva hậu thuẫn vào năm 1971 trong một cuộc chiến mà Đông Pakistan ly khai và trở thành Bangladesh.
Tướng quân đội Pakistan, Agha Muhammad Yahya Khan, bị buộc tội giết ít nhất 200.000 người bắt đầu từ tháng 3/1971. Bất chấp tình trạng tàn sát, Kissinger và Nixon nghiêng về phía Pakistan. Tháng 7/1971, Kissinger thực hiện chuyến đi bí mật đầu tiên tới Bắc Kinh, bay thẳng từ Pakistan.
Ông Henry Kissinger và trợ lý Winston Lord tạm nghỉ ngơi trong khi đàm phán nội dung thông cáo trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 1971. Ảnh: Nhà Trắng.
Trong Thông cáo Thượng Hải mà Kissinger đã đàm phán và kết thúc chuyến thăm của Nixon, hai bên đã nhất trí về chính sách “Một Trung Quốc” rằng Đài Loan và đại lục là một phần của Trung Quốc chứ không phải các quốc gia riêng biệt và mở cửa thương mại cũng như các mối quan hệ khác. Mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Mỹ và Trung Quốc được hình thành bảy năm sau đó.
Vào tháng 2/1972, Nixon thực hiện chuyến đi hoành tráng tới Trung Quốc, gặp Chủ tịch Mao đang ốm yếu và được Thủ tướng Chu Ân Lai chiêu đãi và dùng bữa tối tại Đại lễ đường Nhân dân, mở ra sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Ông Henry Kissinger với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh năm 1971. Trong hai ngày, trong 17 giờ đàm phán với ông Chu, ông Kissinger đã sắp xếp một chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.
Trở lại Liên Xô
Sự tan băng với Bắc Kinh đã mang lại cho Kissinger đòn bẩy chống lại đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô. Ba tháng sau Thông cáo Thượng Hải, Washington và Mátxcơva đã ký Thỏa thuận đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược, đỉnh cao của 2 năm rưỡi đàm phán và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo tại hội nghị thượng đỉnh ở Mátxcơva giữa Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev vào tháng 5/1972.
Kissinger hy vọng rằng nhờ mối quan hệ được cải thiện với Mátxcơva và Bắc Kinh, hai cường quốc cộng sản này có thể giúp rút Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Kissinger kiên trì tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Mátxcơva đến mức ông mạnh mẽ khuyên Tổng thống Nixon bỏ qua việc đàn áp những người Do Thái tìm cách di cư khỏi Liên Xô. Vào thời điểm đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Henry Jackson và Hạ nghị sĩ Mỹ Charles Vanik nỗ lực ngăn chặn việc nới lỏng thương mại với Liên Xô trừ khi họ cho phép người Do Thái rời đi.
Trong cuộc trò chuyện được ghi âm năm 1973 với tổng thống, được công bố năm 2010, Kissinger nói với Nixon: “Việc di cư của người Do Thái khỏi Liên Xô không phải là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Ông Henry Kissinger với Tổng thống Richard Nixon tại New York vào tháng 11/ 1972. Ảnh: AP.
Ngoại giao con thoi
Bất chấp sự hòa hoãn của Washington với Mátxcơva, ông Brezhnev đe dọa đơn phương gửi quân đội Liên Xô tới giải cứu Tập đoàn quân số 3 của Ai Cập đang bị vây hãm trong thời gian vi phạm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến năm 1973 với Israel.
Kissinger, Chánh văn phòng Nhà Trắng Alexander Haig và các trợ lý khác đã lên kế hoạch phản ứng với Mátxcơva: nâng mức cảnh báo của quân đội Mỹ lên DefCon III - trạng thái sẵn sàng cao nhất trong thời bình. Họ cũng gửi công hàm hòa giải và Mátxcơva đã lùi bước.
Nhưng Mỹ cũng tiếp tế cho quân đội Israel, dẫn đến lệnh cấm vận dầu mỏ của Ảrập do Ảrập Xêút dẫn đầu đối với phương Tây và Nhật Bản.
Bốn ngày sau, Ai Cập và Israel đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời, và trong một tuần nữa, Kissinger bắt tay vào chính sách ngoại giao con thoi của mình. Ngay cả trước cơn lốc ngoại giao đó, ông đã đến thăm ít nhất 26 quốc gia trong 3 tháng rưỡi đầu tiên làm ngoại trưởng, từ tháng 10 đến tháng 12/1973.
Trong chuyến đi tới Cairo, Kissinger đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat vào ngày 7/11/1973 để khôi phục quan hệ ngoại giao vốn đã bị cắt đứt trong thất bại ê chề của thế giới Ảrập trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Bốn ngày sau khi khôi phục quan hệ Mỹ-Ai Cập, các nhà lãnh đạo quân sự Ai Cập và Israel ký hiệp định ngừng bắn tại Kilomet 101 trên đường cao tốc Cairo-Suez ở bán đảo Sinai. Thỏa thuận đó đã đặt nền móng cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Sadat tới Israel và cuối cùng là hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979. Các thỏa thuận rút quân tiếp theo đạt được vào tháng 1/1974 giữa Ai Cập và Israel và vào tháng 5/1974 giữa Syria và Israel.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tham dự lễ trao giải của Học viện Mỹ tại Cung điện Charlottenburg ở Berlin, Đức, ngày 21/1/2020. Ảnh: Reuters.
Đảo chính ở Chilê
Ở châu Mỹ, Nixon và Kissinger phải đối mặt với cuộc bầu cử năm 1970 của người theo chủ nghĩa Mác Salvador Allende Gossens làm tổng thống Chile. Cuộc bầu cử đã đặt ra câu hỏi về liên minh giữa Chile và Cuba dưới sự lãnh đạo của ông Fidel Castro, kẻ thù của Washington.
Trong lời khai trước quốc hội, Kissinger phủ nhận mục đích là lật đổ Tổng thống Allende Gossens, nói rằng chính quyền lo ngại về cuộc bầu cử tự do vào năm 1976 ở Chile. Nhưng các tài liệu của Nhà Trắng được giải mật cho thấy Kissinger đã gây sức ép để gây bất ổn cho chính phủ của ông Allende Gossens.
Trong một bản ghi nhớ bí mật vào ngày 5/11/1970, Kissinger cảnh báo rằng khoản đầu tư 1 tỷ USD của Mỹ vào Chile có thể bị mất. Kissinger viết: “Việc bầu Allende làm Tổng thống Chile đặt ra cho chúng ta một trong những thách thức nghiêm trọng nhất từng phải đối mặt ở bán cầu này”.
Ông viết thêm trong bản ghi nhớ: “Những gì xảy ra ở Chile trong vòng 6 đến 12 tháng tới sẽ có những hậu quả vượt xa mối quan hệ Mỹ-Chile. Chúng sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra ở phần còn lại của châu Mỹ Latinh và thế giới đang phát triển; đến vị thế tương lai của chúng ta ở bán cầu; và đến bức tranh thế giới rộng lớn hơn, bao gồm cả mối quan hệ của chúng ta với Liên Xô. Chúng thậm chí sẽ ảnh hưởng đến chúng ta, quan niệm riêng về vai trò của chúng ta trên thế giới”.
Bản ghi nhớ viết tiếp: “Việc chúng ta không phản ứng trước tình huống này có nguy cơ bị châu Mỹ Latinh và châu Âu coi là thờ ơ hoặc bất lực trước những diễn biến bất lợi rõ ràng ở một khu vực từ lâu được coi là phạm vi ảnh hưởng của chúng ta”.
Những đối tượng âm mưu, do tướng Augusto Pinochet Ugarte cầm đầu, tuyên bố rằng Allende Gossens đã tự sát. Pinochet nắm quyền cho đến năm 1990.
Sau khi Chile quốc hữu hóa hoàn toàn ngành đồng vào năm 1971, Mỹ đã cắt tín dụng. Hai năm sau, vào ngày 11/9/1973, quân đội lật đổ Allende Gossens vài ngày sau khi CIA nhận được tin báo trước về kế hoạch đảo chính.