Phụ huynh "tá hỏa" khi nghe giá trị của cổ vật này.
Trên mạng xã hội hiện nay, chuyện "trẻ con có biết gì đâu" quả thực không hiếm. Mỗi khi trẻ làm gì đó sai, chỉ cần nói "trẻ con có biết gì đâu" là mọi trách nhiệm sẽ được phủi bỏ nhanh chóng nhẹ như lông hồng. Nhưng có thật sự trẻ con không biết gì, ai sẽ chịu trách nhiệm sau những sai lầm của trẻ?
Mới đây, netizen đua nhau đào lại vụ việc từng xảy ra 2 năm về trước, cũng cùng chủ đề này. Cụ thể, một học sinh ở Vũ Hán, Hồ Bắc (Trung Quốc) khi đang thăm quan bảo tàng cùng các bạn đã không may đụng trúng và làm rơi vỡ một cổ vật. Đã là "cổ vật" thì không phải nói cũng biết, giá trị về tiền bạc, tinh thần của nó lớn thế nào. Và phụ huynh của em học sinh này đã phải ngã ngửa khi nghe tin cổ vật này có giá trị 1,3 triệu nhân dân tệ (hơn 33 tỷ đồng).
Ông bố than thở: "Trại mùa đông 1.000 nhân dân tệ (hơn 25 triệu đồng) cho 5 ngày, kết quả lại đổi lại hậu quả đau lòng với số tiền nghe xong đã choáng váng".
Truyền thông đưa tin, trích xuất video từ camera giám sát của bảo tàng, tại góc tường của một khu vực trưng bày trong bảo tàng, có đặt một bức tượng hình người cao khoảng nửa người. Nhiều học sinh hoạt động gần tượng, và cậu bé này đi qua không biết vô tình hay cố ý đã chạm vào bức tượng, bức tượng đột nhiên rơi xuống và vỡ nát.
Đối diện với cảnh tượng trước mắt, cậu bé này không nói lên lời.
Ngoài ra, hình ảnh từ video giám sát còn cho thấy, khi đưa học sinh đi tham quan ở bảo tàng, giáo viên giữ nhiệm vụ làm trưởng đoàn đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cô không để ý đến các em mà chỉ chăm chăm vào điện thoại, thậm chí có thời điểm cô còn đi đâu mất tăm.
Sự việc đã làm mạng xã hội "dậy sóng" vào thời điểm đó. Không ít cư dân mạng cho rằng bảo tàng đang không bảo vệ tốt cổ vật như có dây phân cách xung quanh, biển báo cấm chạm, sờ... mà để cổ vật hớ hênh ở bên ngoài.
Ngoài ra, bên cạnh lời trách em học sinh bất cẩn, cũng có người cho rằng cô giáo dẫn đoàn nên chịu một phần trách nhiệm. Khi tham gia bảo tàng, nguyên tắc bất biến là không được động vào cổ vật. Giáo viên trưởng đoàn không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý học sinh nên mới dẫn đến vụ việc này.
Theo báo cáo của "Bắc Kinh Thanh niên báo", nhân viên bảo tàng tiết lộ cổ vật bị vỡ là một tượng đất nung dùng để gác mộ, mua từ Nhật Bản từ 9 năm về trước. Lúc đó giá khoảng hơn 200 nghìn nhân dân tệ (hơn 5 tỷ đồng). Bảo tàng phủ nhận việc yêu cầu phía phụ huynh làm vỡ đền với giá 1,3 triệu nhân dân tệ (hơn 33 tỷ đồng). Mà tiền 1,3 triệu nhân dân tệ là do giáo viên thông báo tới phụ huynh. Phía bảo tàng chỉ yêu cầu bồi thường chi phí sửa chữa và bồi thường thích đáng.
Khi đưa trẻ đến bảo tàng, người lớn vừa phải là người hướng dẫn và vừa phải là người bảo vệ. Người lớn cần đảm bảo rằng trẻ hiểu được giá trị của những hiện vật cũng như quy tắc ứng xử trong một không gian văn hóa như vậy.
Đầu tiên, điều quan trọng là phải chuẩn bị trước cho chuyến thăm. Người lớn nên giải thích cho trẻ biết bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, cổ vật có giá trị lịch sử và văn hóa.
Trước khi vào bảo tàng, cần nhắc nhở trẻ một số nguyên tắc cơ bản như không chạy nhảy, không gây ồn ào, và quan trọng nhất là không được tự ý chạm vào cổ vật hay tác phẩm nghệ thuật. Người lớn cần giám sát trẻ cẩn thận, không để trẻ đi lạc hoặc tiếp xúc quá gần với các hiện vật.
Khi tham quan, người lớn nên cùng trẻ tìm hiểu và đọc các thông tin về cổ vật để khai thác trí tò mò bên trong trẻ. Đây cũng là cơ hội để giáo dục trẻ về những kiến thức lịch sử và văn hóa, truyền đạt niềm đam mê học hỏi và tôn trọng di sản đến với con.
Người lớn cũng nên học cách nhận biết những dấu hiệu khi trẻ cảm thấy mệt mỏi hoặc chán chường. Nếu có thể, hãy tìm các chương trình hoặc hoạt động tương tác dành cho trẻ em được tổ chức bởi bảo tàng để chúng có thể vui chơi, học hỏi một cách vui vẻ và sáng tạo.
Tổng hợp