Địa phương rốt ráo chuẩn bị nguồn lực cho Chương trình Giáo dục mầm non mới

Quốc Ngữ | 23/07/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, Chương trình GD mầm non (MN) mới là sự kế thừa các ưu điểm của Chương trình GDMN hiện hành. Đây là sự kết nối chặt chẽ giữa bậc học mầm non với cấp học cao hơn, hỗ trợ tích cực cho trẻ mầm non chuyển tiếp thành công vào tiểu học.

Phát huy tính kế thừa

Chương trình GDMN mới với sự cập nhật các vấn đề hiện đại trong Chương trình GDMN thế giới, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Đây là chương trình khung, có tính chất mở, thể hiện mục tiêu GDMN, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp GDMN và đánh giá sự phát triển của trẻ.

Chương trình bao gồm những nội dung cơ bản, cốt lõi và có tính linh hoạt, mềm dẻo làm cơ sở cho việc lựa chọn những nội dung giáo dục cụ thể phù hợp với kinh nghiệm sống, khả năng của trẻ và thực tế của từng địa phương, vùng miền.

Chương trình GDMN mới nhấn mạnh, thể hiện rõ hơn quan điểm tiếp cận hoà nhập, công bằng, bình đẳng và tôn trọng trẻ, trong đó vấn đề giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, vấn đề phát triển ngôn ngữ với mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ cho trẻ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ...

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, để chuẩn bị cho Chương trình GDMN mới, tỉnh quan tâm công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ. Vừa qua, Sở tổ chức tập huấn Chương trình GDMN với 4 chuyên đề: Hướng dẫn tổ chức chuẩn bị cho trẻ em mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non sẵn sàng học đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1 Tiểu học; Hướng dẫn tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong cơ sở GDMN; Hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục trong cơ sở GDMN; Hướng dẫn đánh giá thực hiện chương trình trong cơ sở GDMN.

Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đối với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, đảm bảo chất lượng GDMN với 7 chuyên đề: Hướng dẫn tổ chức giáo dục hòa nhập trong cơ sở GDMN - quản lý lớp học hòa nhập trẻ khuyết tật; Nghiệp vụ tự đánh giá trường mầm non; Hướng dẫn tổ chức các hoạt động phát triển thẩm mỹ; Hướng dẫn tổ chức các hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ mầm non phù hợp với bối cảnh địa phương; Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tế của trường mầm non; Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm phòng dịch Covid-19 tại cơ sở GDMN; Giáo dục cảm xúc tích cực thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm trong các cơ sở GDMN...

Tại tỉnh Bạc Liêu, để chuẩn bị cho Chương trình GDMN mới, ngành Giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt là đào tạo nâng cao trình độ Tin học để đáp ứng với việc soạn và giảng bài bằng giáo án điện tử. Song song đó, ngành cũng đẩy mạnh đầu tư, trang bị các trang thiết bị máy móc, đồ dùng, dụng cụ giảng dạy.

Đến nay, đa số các trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đều có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo chương trình. Không chỉ áp dụng đại trà cho nhóm trẻ 5 tuổi, năm học 2012 - 2013, nhiều trường còn áp dụng Chương trình GDNM mới cho nhóm trẻ 4 tuổi với mục đích giúp các em làm quen dần với chương trình, tạo nền tảng cho những năm sau.

Theo cô Lâm Thị Mỹ Anh, giáo viên Trường Mầm non TP Bạc Liêu, Chương trình GDMN mới hướng đến một nền giáo dục mở. Khuyến khích giáo viên áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng, khả năng nhận biết thế giới xung quanh của trẻ...

Địa phương rốt ráo chuẩn bị nguồn lực cho Chương trình Giáo dục mầm non mới ảnh 1

Chương trình GDMN mới kết nối chặt chẽ giữa bậc học mầm non với cấp học cao hơn; hỗ trợ tích cực cho trẻ mầm non chuyển tiếp thành công vào tiểu học.

Tập trung nâng cao trình độ đội ngũ

Theo nhiều giáo viên, ưu điểm của chương trình mới là khuyến khích các giáo viên áp dụng công nghệ thông tin vào việc soạn và giảng dạy trên giáo án điện tử. Việc đưa giáo án điện tử vào chương trình giảng dạy sẽ giúp trẻ tiếp cận với nhiều hình ảnh sinh động của thế giới xung quanh, giúp trẻ nhận biết các đồ vật, so sánh, cảm nhận màu sắc… một cách nhanh chóng.

Đối với bậc học Mầm non, ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDMN và chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021- 2025”; Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025…

Tỉnh Vĩnh Long xác định một số khó khăn hiện nay như nhiều trường mầm non quá nhiều điểm lẻ; sĩ số học sinh trên lớp đông, diện tích phòng học chật hẹp ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác khó khăn nên việc đầu tư tăng trưởng cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển…

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng Chương trình GDMN mới, tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên. Vừa qua, Trường ĐH Đồng Tháp tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non cho tỉnh Vĩnh Long với số lượng 2.723 học viên.

Chương trình bồi dưỡng gồm các kiến thức chuyên ngành phù hợp với yêu cầu ở các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay. Chương trình xây dựng theo nguyên tắc mở, có phần tự chọn theo nhu cầu của người học; lấy việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ là trọng tâm. Đặc biệt là chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non và quản lý cảm xúc bản thân của giáo viên mầm non trong hoạt động nghề nghiệp

Theo PGS.TS Phạm Minh Giản, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, Nhà trường cam kết đội ngũ báo cáo viên có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong công tác đào tạo, am hiểu sâu về giáo dục đào tạo mầm non, đồng thời có khả năng truyền đạt kiến thức, kỹ năng, sẽ giúp học viên đạt được kết quả bồi dưỡng với chất lượng tốt nhất…

Bên cạnh đó, Trường ĐH Đồng Tháp phối hợp với Sở GD&ĐT Vĩnh Long triển khai nhiều lớp bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục năm 2022, với gần 3.500 học viên các lớp bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Địa phương rốt ráo chuẩn bị nguồn lực cho Chương trình Giáo dục mầm non mới