Ngành giáo dục Lạng Sơn đang tích cực chuẩn bị, sẵn sàng cho vận hành mới khi trường Mầm non, Tiểu học, THCS thuộc quản lý cấp xã.
Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 648 đơn vị trường học các cấp, với tổng số hơn 211.000 học sinh, hơn 20.000 cán bộ giáo viên. Để duy trì hoạt động ổn định và tiếp tục phát huy hiệu quả giáo dục sau khi vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Lạng Sơn đang có những sự chuẩn bị để kịp thời đáp ứng theo yêu cầu mới.
Chính quyền cấp xã nắm sát tình hình thực tiễn
Nhằm thống nhất, cụ thể hóa nội dung công việc theo phân cấp mới, đặc biệt là việc tổ chức quản lý trường học tại xã/phường (gồm cấp Mầm non, Tiểu học, THCS), UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, về lĩnh vực giáo dục đào tạo, Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc UBND cấp xã tham mưu trình UBND cấp xã quyết định nhiều nội dung quan trọng: Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển giáo dục; quyết định về cơ sở vật chất, dự toán ngân sách cho giáo dục; tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục…
Có thể thấy, UBND cấp xã mà trực tiếp là Phòng Văn hóa - Xã hội sẽ cần phải rất sát sao, nắm chắc và hiểu rõ tình hình các trường học trên địa bàn, để có thể quản lý vừa đúng quy định vừa phù hợp thực tiễn, góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả giáo dục tại địa phương.
Bà Liễu Thị Thưởng, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội phường Lương Văn Tri, tỉnh Lạng Sơn trao đổi: Với 8 cơ sở giáo dục, tổng số gần 5.000 học sinh và hơn 300 cán bộ giáo viên, khối lượng công việc về tổ chức quản lý giáo dục trên địa bàn là rất lớn, đòi hỏi phải nắm sát tình hình thực tế từng trường học.
“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tập trung vào hoàn thiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trên địa bàn để chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sẵn sàng cho năm học mới”, bà Liễu Thị Thưởng cho biết.
Đối với xã Vũ Lễ, tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn có 9 cơ sở giáo dục, gồm 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trường TH&THCS, với tổng số trên 2.500 học sinh.
“Sau khi xã mới thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã cũ, nhiều học sinh thuận lợi hơn khi được chủ động chọn học trường có khoảng cách gần. Chúng tôi sẽ căn cứ vào thực tế, xây dựng kế hoạch sáp nhập trường tiểu học, dồn ghép điểm trường lẻ, sao cho phù hợp, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội xã Vũ Lễ, tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Nhà trường nâng cao tính chủ động, thích ứng
Tại trường Tiểu học Chi Lăng (phường Lương Văn Tri, tỉnh Lạng Sơn), hiện nhà trường có quy mô 34 lớp, với 54 cán bộ giáo viên, 1.521 học sinh. Việc thực hiện chương trình giáo dục được hoàn thành đúng kế hoạch, kết quả và chất lượng giáo dục được nâng cao, công tác đổi mới sáng tạo trong dạy học chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi, một trong những trở ngại vướng mắc lớn nhất là trường không có đủ diện tích so với số lượng học sinh thực tế, dẫn đến không đảm bảo về phòng học bộ môn, sân chơi bãi tập, cho nên chưa đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Nhà trường đã chủ động tham mưu, đề xuất phương án để giải quyết.
“Kế hoạch xây dựng trường tiểu học Chi Lăng 2 theo đề án tách trường đang được triển khai. Với việc phân cấp quản lý về UBND phường, nhà trường hy vọng công tác xây dựng trường mới sẽ được tiến hành nhanh chóng, góp phần kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo dục cho con em nhân dân trên địa bàn, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục của địa phương”, bà Nguyễn Thị Bích Hường chia sẻ.
Đối với trường Tiểu học & THCS Chiến Thắng (xã Vũ Lễ, tỉnh Lạng Sơn), hiện nhà trường có tổng số 428 học sinh, với 34 cán bộ giáo viên. Do đặc thù liên cấp, nhà trường phải quản lí cả 2 cấp với nhiệm vụ chuyên môn, mục tiêu, chương trình khác nhau; tổ chức hoạt động giáo dục phải an toàn, phù hợp với từng cấp, nhưng vẫn tích hợp, thống nhất chung trong toàn trường; phân công bố trí giáo viên dạy cả 2 cấp ở một số môn như Âm nhạc, Ngoại ngữ, Giáo dục Thể chất, Mỹ thuật…
Bà Hoàng Thu Phương, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Tập thể nhà trường luôn có sự thống nhất, nỗ lực, chủ động và linh hoạt, cho nên kết quả giáo dục rất tích cực. Được cấp xã quản lí trực tiếp, nhiều nội dung công việc và những nhu cầu thực tế của nhà trường sẽ được nắm bắt sát sao, triển khai kịp thời hơn", bà Hoàng Thu Phương chia sẻ.