Điểm nghẽn hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm

Hà Nguyên – Sỹ Điền | 04/12/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị định về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm vẫn gặp khó khăn...

Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Triều cho hay, 310 sinh viên ngành Giáo dục Mầm non được tuyển sinh trong năm học 2021 – 2022 đã nhận trợ cấp sinh hoạt phí đầy đủ. Năm nay, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 568 sinh viên ngành Giáo dục Mầm non. Nhà trường đang làm thủ tục để hỗ trợ sinh hoạt phí theo quy định của Nghị định 116 cho các em.

Hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm: Nhận diện những điểm thắt ảnh 2
Ảnh minh họa.

Làm rõ những băn khoăn

Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên của Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk chưa được chi trả khoản kinh phí hỗ trợ do tỉnh đang làm văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề nghị được hướng dẫn thêm một số vấn đề có liên quan. Theo đó, nếu trong trường hợp sinh viên đã có cam kết nhưng sau khi tốt nghiệp lại không công tác trong ngành Giáo dục thì hình thức thu hồi kinh phí như thế nào? Nhiều địa phương vẫn băn khoăn về vấn đề bồi hoàn kinh phí. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có văn bản đề nghị giao cho Sở Tài chính và Sở GD&ĐT có ý kiến với Bộ GD&ĐT phản hồi công văn trước đó.

Liên quan đến vấn đề thu hồi kinh phí, một số cán bộ quản lý các trường sư phạm cũng bày tỏ băn khoăn khi địa phương cấp kinh phí, nhà trường thực hiện chuyển khoản thì việc thu hồi sẽ do đơn vị nào chịu trách nhiệm. Nếu nhà trường phải chịu trách nhiệm thu hồi, nhưng nếu không thu hồi được thì xử lý như thế nào vì trường học không phải là cơ quan, tổ chức có quyền cưỡng chế.

Theo quy định của Nghị định 116, các địa phương xác định nhu cầu để giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên cho trường sư phạm. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng còn ít. Các trường chủ yếu vẫn đào tạo theo nhu cầu xã hội và chỉ tiêu được giao.

Thông tin từ thầy Nguyễn Trung Triều, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang chưa nhận được đơn hàng nào của địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài yếu tố về kinh phí còn có nguyên nhân “đầu ra” cho các giáo sinh. Nếu “đặt hàng”, địa phương sẽ phải bố trí vị trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc này đang bị ràng buộc bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Viên chức.

Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định - phân tích, với những sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, khi ra trường, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Khi thi tuyển, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển vì Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ - không có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên đứng trước vướng mắc.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, phát biểu thảo luận tại nghị trường, bà Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang viện dẫn: Điều 5 của Nghị định 116 quy định, kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu và sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội, không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu đều do ngân sách Nhà nước chi trả, được giao trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm.

Tuy nhiên, lại chưa quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc chi trả đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu. Đồng thời, chưa quy định cụ thể việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để thẩm định, giao dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể lập dự toán kinh phí đối với nội dung này. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị, các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn, để địa phương triển khai thực hiện.

Từ thực tế trên cho thấy, những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 116, nếu có, chủ yếu là ở các trường sư phạm địa phương. Một trong những nguyên nhân là do nguồn tiền hỗ trợ cho sinh viên tương đối lớn. Với những tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế thì mấy chục tỷ đồng hỗ trợ cho sinh viên là khoản chi không nhỏ.

Nếu tính mỗi sinh viên sư phạm học hệ cao đẳng được nhận hỗ trợ 100 triệu đồng/em trong 3 năm, hệ đại học là 150 triệu đồng/em thì chỉ cần mỗi khóa tuyển sinh 200 em thôi, số tiền chi trả đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Thậm chí, kinh phí để chi hỗ trợ cho sinh viên sư phạm còn lớn hơn cả nguồn chi thường xuyên cho trường cao đẳng sư phạm thì các địa phương lấy tiền ở đâu để chi trả.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhấn mạnh, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi. Theo đó, cần dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ho-tro-hoc-phi-chi-phi-sinh-hoat-cho-sv-su-pham-nhan-dien-nhung-diem-that-post616890.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ho-tro-hoc-phi-chi-phi-sinh-hoat-cho-sv-su-pham-nhan-dien-nhung-diem-that-post616890.html
Bài liên quan
Cần Thơ bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai hỗ trợ học phí
Ngày 27/9, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết về hỗ trợ học phí năm học 2022-2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm nghẽn hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho SV sư phạm