Dự án đồng hành cùng các trường hướng đến mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nói chung và 20% lượng rác thải nhựa nói riêng. Những học sinh tham gia đều chia sẻ rằng, việc phân loại rác mất nhiều thời gian hơn là xả rác ra môi trường. Ngồi phân loại rác đúng rất vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Những trải nghiệm này đã giúp các em thành lực lượng truyền thông có hiệu quả đến gia đình, người thân và bạn bè trong việc hạn chế sử dụng túi ni-lông, hộp xốp đựng thức ăn, chai nhựa sử dụng một lần…
Những học sinh nhỏ tuổi trên Đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng đồng hành với anh Nguyễn Lợi trong việc tận dụng hơn 6.000 chai nhựa để xây nhà. Hàng năm, lượng du khách đến thăm Đảo Bé rất nhiều nên lượng rác thải nhựa khá lớn, đặc biệt là các chai nước.
Thêm vào đó là lượng chai nhựa dạt trên bờ biển tấp vào đảo. Sau một thời gian hướng dẫn cho các em nhỏ ở trên đảo gom vỏ chai nhựa, anh Lợi nảy sinh ý tưởng xây một ngôi nhà từ chính những chai nhựa này. Anh Lợi lại cùng với “biệt đội tí hon” trên đảo đổ cát vào các chai nhựa và nén chặt rồi đóng nắp. Nhờ tận dụng được chai nhựa làm gạch mà chi phí xây một ngôi nhà 15m2 của anh Lợi chỉ có 40 triệu đồng, tiết kiệm rất nhiều so với giá vật liệu xây dựng trên đảo.
Cách truyền thông trong xây dựng trường học xanh, lối sống xanh đã có sự thay đổi theo hướng học sinh được trải nghiệm và tự hình thành kỹ năng, thói quen. Với lứa tuổi học sinh mầm non, tiểu học, THCS, các trường thường tổ chức những trò chơi như trắc nghiệm kiến thức, đố vui, đổi rác lấy quà…
Với trò THPT, sinh viên, sẽ có buổi chia sẻ, trò chuyện về rác thải, mini game theo hình thức online hoặc offline. Những thông tin thú vị đi kèm về tác động tích cực của hành động bảo vệ môi trường, từ điều nhỏ nhất được truyền thông hàng ngày qua Facebook đã giúp nhiều học sinh, sinh viên thay đổi nhận thức hình thành lối sống xanh.
Tuy nhiên, cán bộ quản lý của nhiều trường vẫn rất băn khoăn bởi ngay trong khuôn viên trường học, học sinh đã hình thành được thói quen phân loại rác thải, thế nhưng, việc thu gom rác không phải nơi nào cũng tách riêng các loại rác hữu cơ, tái chế… Thế nên, hiệu quả truyền thông chưa thực sự triệt để như mong muốn.