Các trường đại học, cao đẳng cần phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng khung chương trình, kiến thức và đưa sinh viên tham quan, thực tập. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường qua góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, học bổng cho sinh viên hoặc cử chuyên gia, công nhân lành nghề”.
Ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn giữa doanh nghiệp và trường học. |
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, ngoài thiết kế, sản xuất, ngành sản xuất bán dẫn cần nhân lực từ ngành công nghiệp phụ trợ, dây chuyền, robot, xử lý môi trường bên ngoài.
Với mục tiêu 50.000 nhân lực ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn đến 2030, ông Việt Anh nhấn mạnh, các trường đại học lớn trên cả nước cần hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương có chính sách đặc thù thu hút nhân sự có trình độ cao.
Trường hợp rút ngắn thời gian, chính quyền tỉnh có thể cử người học các khóa học văn bằng hai, chương trình ngành gần… Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay đã có các ngành như điện tử viễn thông, thiết kế vi mạch, tự động hóa, dự kiến đáp ứng 20.000 nhân sự.
Còn ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thì phân tích, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc - các nước có ngành công nghiệp bán dẫn, cần nhiều nhân lực. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển nguồn lao động, kỹ sư chất lượng cao. Năm 2030, cả nước đặt mục tiêu 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang cần nắm bắt, hình thành Trung tâm Công nghiệp bán dẫn của phía Bắc.
Ông Hoài đánh giá, chương trình đào tạo hiện nay chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế do ngành bán dẫn mới, cần tăng cường phối hợp các bên. Do đó, việc hợp tác quốc tế, chuẩn hóa quy trình đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư máy móc, cơ sở vật chất, thu hút nguồn lực từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), thành lập trung tâm bán dẫn tại địa phương là rất quan trọng.
Bắc Giang có lực lượng lao động dồi dào, tỉnh đã tổ chức 4 đoàn công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến các địa phương để tuyển lao động. Bắc Giang cam kết không cắt điện trong bất cứ tình huống nào đối với ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử. Bắc Giang quan tâm câu chuyện thể chế, tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền mạnh mẽ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Mai Sơn khẳng định: Bắc Giang luôn quan tâm đến đào tạo nghề. Năm 2023 vừa qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước là 68% thì tỷ lệ của Bắc Giang là 76%, trong đó tỷ lệ được cấp chứng chỉ trong tỉnh lên tới 33%, còn cả nước là 27%.
Bắc Giang đã đào tạo được nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn và sẽ mở rộng ra các trường cao đẳng khác để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Việc ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục trên địa bàn là tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, đáp ứng nhu cầu ngành bán dẫn tại Việt Nam. Về lâu dài, tỉnh Bắc Giang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn của cả nước.