Trong 6 tháng đầu năm 2025, điện ảnh Việt Nam ghi nhận những bước tiến nổi bật.
Nếu như năm 2024, phòng vé Việt thu về 1.900 tỉ đồng, thì chỉ trong nửa đầu năm 2025 doanh thu đã lên tới trên 1.800 tỉ đồng.
Nửa đầu năm 2025 điện ảnh Việt Nam chứng kiến sự chuyển mình đáng kể, không chỉ về số lượng và chất lượng tác phẩm, mà còn trong cách tiếp cận và khai thác “nền kinh tế hình ảnh” - một khái niệm đang trở thành xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp sáng tạo. Bằng việc lấy bản sắc văn hóa làm trung tâm, điện ảnh Việt đang tìm lối đi riêng để khẳng định vị thế.
Theo thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị theo dõi phòng vé độc lập, 6 tháng đầu năm 2025 có gần 20 phim Việt ra rạp, đạt doanh số trên 1.800 tỉ đồng - chiếm khoảng 70% tổng doanh thu phòng vé.
Trong đó, có đến 8 bộ phim vượt mốc trăm tỉ đồng, như: “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành với doanh thu trên 332 tỉ đồng, “Nhà gia tiên” của Huỳnh Lập với sự góp mặt của ca sĩ thế hệ GenZ Phương Mỹ Chi đạt gần 240 tỉ đồng, “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” của Lý Hải đạt trên 231 tỉ đồng.
“Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của đạo diễn Victor Vũ với gần 249 tỉ đồng, “Nụ hôn bạc tỉ” của Thu Trang thu về khoảng 210 tỉ đồng, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của Bùi Thạc Chuyên đạt trên 172 tỉ đồng, “Quỷ nhập tràng” của đạo diễn Pom Nguyễn đạt gần 150 tỉ đồng, “Đèn âm hồn” của Hoàng Nam đạt trên 105 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, loạt phim Việt đang chiếu rạp cũng đang có doanh thu tích cực, khả năng cao sẽ cán và vượt mốc trăm tỉ đồng. Trong đó, có phim “Út Lan: Oán linh giữ của” do Trần Trọng Dần đạo diễn. Bộ phim ra rạp cuối tháng 6 vừa qua đã nhanh chóng chứng minh sức hút khi liên tiếp đứng đầu phòng vé. Tổng doanh thu hiện tại của phim đang đạt gần 90 tỉ đồng (tính đến thời điểm sáng 17/7).
Với sự đa dạng của các dòng phim, Trấn Thành và Lý Hải không còn độc chiếm rạp Việt. Miếng bánh phòng vé đang chia đều cho các đạo diễn và nhà sản xuất khác thuộc các dòng phim tâm linh - kinh dị, tâm lý, tình cảm, hài hước, trinh thám.
Đặc biệt, sức lan tỏa của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã khiến khán giả Việt có cái nhìn khác về dòng phim chiến tranh, cách mạng. Dòng phim này vốn rất khô khan, thiên về yếu tố tuyên truyền nhưng sự đổi mới từ cách kể chuyện, chọn bối cảnh cho đến các chi tiết không mang tính áp đặt đã tạo ra một bộ phim có chỉ số thu hút cao, nhất là với giới trẻ.
Điều đáng chú ý đối với 19 bộ phim chiếu rạp trong nửa đầu năm 2025, dù là đề tài cách mạng, kinh dị, trinh thám hay tâm lý, tình cảm… thì yếu tố văn hóa, bản sắc, phong tục, lễ nghi truyền thống được các đạo diễn khai thác triệt để, tạo cảm giác chân thật và đồng thời tạo thị hiếu thưởng thức của công chúng đối với phim nội địa.
Trước số liệu nổi bật của điện ảnh 6 tháng đầu năm 2025, giới chuyên gia cho rằng, doanh thu chưa hẳn là bảo chứng cho chất lượng phim nhưng là tín hiệu cho thấy điện ảnh Việt đang dần lấy lại thị phần trước các đối thủ tầm cỡ quốc tế bấy lâu thống trị rạp Việt.
Đáng mừng hơn, từ các bộ phim hút khách trong nước, khi chiếu ở nước ngoài cũng thu hút sự quan tâm đáng kể của khán giả quốc tế. Với các tiêu chí được định hình về văn hóa truyền thống, bản sắc Á Đông, phim Việt góp phần định hình nền kinh tế hình ảnh, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nền điện ảnh phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt từ điện ảnh, hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc, hiếu khách… lan toả rộng khắp thế giới qua “con đường công nghệ” từ các rạp chiếu, liên hoan phim cho đến xuất khẩu văn hóa phẩm.
Như mới đây, tại hội thảo về sự phát triển điện ảnh nằm trong chuỗi Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025, ông Charles Kim - nhà sản xuất kiêm ủy viên Liên hoan phim Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc, đánh giá điện ảnh Việt phát triển nhanh ở lượng khán giả đến rạp và trên nền tảng số.
Dưới góc nhìn của nhà làm phim, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, điện ảnh như một công cụ “ngon - bổ - rẻ” nhưng cũng rất sang trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Điện ảnh chính là cốt lõi tạo ra “nền kinh tế hình ảnh”, bởi nguồn thu từ phát hành phim có thể gấp nhiều lần vốn đầu tư. Ngoài việc quảng bá, điện ảnh còn mang lại những giá trị xã hội tích cực, là phương tiện mạnh mẽ giúp thay đổi xã hội.
“Nhiều người vẫn than vãn Việt Nam thiếu kịch bản hay, thiếu nhân sự giỏi... nhưng đó không phải nguyên nhân chính. Để sản xuất một chiếc ô tô có thể nhập linh kiện từ nhiều nước, sản xuất một bộ phim cũng thế.
Phim hay ô tô cũng là sản phẩm pha trộn cả yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Sản xuất một chiếc ô tô phức tạp gấp nhiều lần so với làm một bộ phim, nhưng có những bộ phim doanh thu bằng hàng trăm nghìn chiếc ô tô”, đạo diễn Lương Đình Dũng ví von.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng “nền kinh tế hình ảnh” phải được định hình bằng bản sắc như một căn cước nhận diện. Một vài bộ phim Việt bùng nổ ở nước ngoài dù thuộc cấp độ nào đi nữa, cũng không mang đầy đủ mọi góc cạnh đặc sắc của Việt Nam. Trong khi đất nước ta với nhiều phong cảnh kỳ thú, con người văn hóa và hàng nghìn câu chuyện chính là kho tàng cao quý cần lan toả.
Điện ảnh không chỉ góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa mà còn có sức tạo ra nền kinh tế hình ảnh. Khi nền kinh tế ấy được định hình, ngay cả những sản vật như cà phê, gạo, rượu… của Việt Nam cũng sẽ tăng giá trị, được tôn trọng như các sản phẩm các mọi quốc gia phát triển khác.
“Thời đại “nền kinh tế hình ảnh” đang được nhiều quốc gia tận dụng mạnh mẽ thông qua điện ảnh, mỗi nước đều sản xuất rất nhiều phim phát hành ra nước ngoài. Để tránh bị lẫn trong dòng chảy đó, chúng ta phải đồng loạt cùng một thời điểm với nhiều dự án để lan toả một cách hiệu quả. Hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam sẽ theo đó đến với khách hàng quốc tế. Không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, điện ảnh còn góp phần nâng tầm vị thế thông qua bản sắc văn hóa - “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia”, đạo diễn Lương Đình Dũng.