“Cơ sở vật chất đảm bảo không chỉ tạo điều kiện học tập tốt cho hơn 300 con em đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, mà còn góp phần quan trọng giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học. Đồng thời dần hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng NTM”, cô Yến chia sẻ.
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa với cơ sở vật chất đảm bảo. Ảnh NTCC. |
Tổng lực vào cuộc
Cũng theo cô Yến tâm sự, có được cơ sở vật chất như hiện tại, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của các cấp thì đây là kết quả từ phong trào xã hội hóa giáo dục do ngành phát động. Qua đó nhằm hiện thực hóa mục tiêu dần hoàn thiện tiêu chí số 5 về trường học trong xây dựng NTM.
“Với chủ trương này, ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi, vận động sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân thì nhà trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sự tham gia tích cực của bà con trong việc đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động tạo mặt bằng, xây dựng, tu sửa trường lớp học”, cô Yến cho hay.
Còn theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, công tác xã hội hóa giáo dục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, các đơn vị, cấp, ngành linh hoạt vận dụng thực hiện bằng cách làm phù hợp, thiết thực.
“Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã huy động được gần 70 tỷ đồng xây dựng trường, lớp học. Trong đó tập trung vào việc xóa nhà tranh tre, nứa lá; tặng thiết bị dạy học, đồ dùng sinh hoạt, học tập cho học sinh, giáo viên; hỗ trợ bữa ăn tại các điểm trường cho học sinh không thuộc diện hưởng chế độ bán trú của Nhà nước... Đây là nguồn lực rất lớn góp phần tạo nên diện mạo mới cho các trường học và công tác giáo dục địa phương”, ông Chùy cho hay.
Niềm vui của học sinh Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa trong sân chơi mới. |
Với vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến giáo dục, đào tạo (tiêu chí số 5 và số 14), thời gian qua Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã tham gia tích cực và góp phần không nhỏ vào thành công chung của địa phương. Đến năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 65/115 xã nông thôn đạt tiêu chí số 5 về Trường học.
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương, mỗi cơ sở sẽ dựa trên điều kiện thực tế của mình để huy động các nguồn lực vào cuộc. Sở phát huy vai trò lãnh, chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc quá trình thực hiện. Việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm được duy trì thường xuyên. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời khuyến khích, nhân rộng mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Giai đoạn 2021 – 2025, ngành Giáo dục Điện Biên phấn đấu sẽ có 100 xã nông thôn đạt tiêu chí số 5 về Trường học (tăng 35 xã so với năm 2021). Đây vừa là mục tiêu, đồng thời được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
“Để đạt được mục tiêu trên, trong bối cảnh khó khăn đặc thù, ngành xác định công tác xã hội hóa hết sức quan trọng, nhằm huy động sự hỗ trợ từ mọi nguồn lực. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM không chỉ thực hiện trong ngành mà phải được triển khai sâu, rộng đối với toàn dân. Từ nguồn hỗ trợ đó, ngành cân đối để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo chất lượng”, ông Đoạt cho hay.