Diễn biến vụ giả mạo công văn của tỉnh đón dân về quê

T/H | 19/08/2021, 10:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người giả mạo công văn của tỉnh Bình Định về việc tổ chức 50 chuyến xe đón dân từ TP. Hồ Chí Minh về quê có thể đối mặt với án tù 7 năm.

Hành vi giả mạo công văn của tỉnh Bình Định có thể bị xử lý hình sự, người chia sẻ trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 17/8, Công an tỉnh Bình Định khẳng định công văn của tỉnh Bình Định lan truyền trên mạng xã hội (MXH) với nội dung tổ chức 50 chuyến xe chở bà con gặp khó khăn ở TP.HCM về quê là giả mạo, sai sự thật.

gia-mao-cong-van-cua-tinh.jpg
Công an tỉnh Bình Định khẳng định công văn này là giả mạo

Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị công an tỉnh phối hợp Công an TP.HCM điều tra hành vi giả mạo văn bản của cơ quan Nhà nước, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ThS – luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), hành vi trên đã giả mạo chữ ký của Chủ tịch tỉnh, giả mạo con dấu của UBND tỉnh, giả mạo nội dung…Hành vi này có đầy đủ các dấu hiệu và thỏa mãn cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) – BLHS.

Ngoài ra, con dấu thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 99/2016 (quy định về quản lý và sử dụng con dấu). Do đó, các đối tượng làm giả công văn, con dấu của UBND tỉnh đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước, xâm phạm đến hoạt động bình thường của tổ chức và gây mất uy tín cho cơ quan.

“Cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của nhóm đối tượng này, xác định số tiền trục lợi bất chính (nếu có)… Ngay cả khi không có việc thu lợi bất chính thì với hành vi làm giả công văn, con dấu của UBND tỉnh cũng đã đủ để xem xét xử lý hình sự” - ThS – luật sư Quốc Tuấn nêu quan điểm.

Theo Điều 341 BLHS, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù.

Trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng hoặc làm giả sáu con dấu, tài liệu (hoặc giấy tờ khác trở lên) có thể bị phạt tối đa bảy năm tù.

Mặt khác, hành vi tung tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật về công văn giả mạo nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5-10 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trường hợp tung tin giả với mục đích thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn…thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 BLHS, hình phạt tối đa đến bảy năm tù.

Bài liên quan
Vợ Công Phượng bị giả mạo Instagram
Viên Minh - vợ của cầu thủ Công Phượng tỏ ra khá bức xúc khi bị giả mạo trên Instagram.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diễn biến vụ giả mạo công văn của tỉnh đón dân về quê