Điển cố với thể hiện cảm hứng yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh

22/05/2023, 11:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sự nghiệp văn học của Phan Châu Trinh (1872 - 1926) hết sức phong phú, đồ sộ và giá trị trên nhiều phương diện.

Điển cố cũng được nhà thơ sử dụng vào mục đích thể hiện ý chí sắt đá và khí phách ngang tàng của người chí sĩ với lý tưởng cứu nước cao đẹp dù ở trong hoàn cảnh tù đày: Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể việc con con (Đập đá ở Côn Lôn).

Có thể thấy, điển cố được sử dụng một cách tập trung, có chủ đích đã trở thành một phương tiện nghệ thuật hiệu quả, thể hiện thành công nhiều phương diện của nội dung yêu nước, một cảm hứng chủ đạo và xuyên suốt trong thơ Phan Châu Trinh. Thơ Phan Châu Trinh mang tính chất giao thời đậm nét. Điển cố được dùng để chuyển tải những nội dung yêu nước mới trong hoàn cảnh thời đại mới là một chỉ dấu quan trọng của điều này. Đây cũng là một nét riêng đáng trân trọng trong nỗ lực hiện đại hóa điển cố, đưa điển cố đến gần với đời sống văn hóa, văn chương hiện đại của Phan Châu Trinh.

Trên phương diện hình thức nghệ thuật, điển cố được dẫn dụng linh họat, hợp lý đã mang lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng cho thơ Phan Châu Trinh. Chẳng hạn, điển cố với những câu chuyện lịch sử, văn hóa được chắt lọc qua ngàn năm trung đại đã góp phần kiến tạo nên tính chất trang trọng, thâm trầm cho thơ Phan Châu Trinh.

Đây là lí do trong những bài thơ thể hiện niềm cảm thương trước các anh hùng, tử sĩ chống Pháp của dân tộc, ông thường dùng nhiều điển. Chẳng hạn, điếu Thủ khoa Huân, nhà thơ dùng các điển Trương tướng, Văn Sơn [7]: Trương tướng hùng phong bi tịnh trĩ/ Văn Sơn chính khí sử trường lưu (Oai phong của Trương tướng đứng ngang bia đá/ Chính khí của Văn Sơn mãi lưu trong sử sách – Điếu Thủ khoa Huân); Cảm phục tài thơ và tấm lòng yêu nước của cụ Đồ Chiểu, tác giả dùng các điển Viên Sùng Hoán, Đỗ Thiếu Lăng [8]: Chết đành theo mã Viên Sùng Hoán/ Sống hãy ngâm thi Đỗ Thiếu Lăng (Điếu ông Tú tài Chiểu 9); khóc chí sĩ Trần Quý Cáp, nhà thơ dùng các điển Tinh vệ, đỗ quyên: Tinh vệ nghìn năm hồ khó dứt/ Đỗ quyên muôn kiếp oán chưa tan (Khóc Trần Quý Cáp)…

Bên cạnh tính hàm súc, giàu sức khái quát, khả năng liên tưởng lớn, điển cố còn mang trong mình thuộc tính linh động, bởi điển “dùng cho nhiều mục đích: So sánh, ca ngợi, châm biếm, giáo dục, kể chuyện, khẳng định, phủ định […], có phạm vi họat động rộng rãi, tính năng động dồi dào, có thể họat động trong nhiều ngữ cảnh có nội dung khác nhau” [9]. Thuộc tính này được thể hiện rõ nét trong thơ mang nội dung yêu nước của Phan Châu Trinh qua vai trò kiến tạo tính chất đa dạng của giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm. Có giọng sôi nổi, quyết tâm: Thiếp chúc cho chàng:/ Lập công mã cách/ Để tên sử sách (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca). Có giọng bi tráng, cảm thương: Nước mắt Trường Sa khăn chẳng ráo/ Câu văn Sở tá bút khôn thâu (Điếu ông Tú tài Chiểu, bài 8). Có giọng căm hờn, u uất: Tinh vệ nghìn năm hồn khó dứt/ Đỗ quyên muôn kiếp máu chưa tiêu (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca).

Có giọng mỉa mai, châm biếm: Túi cơm giá áo loàng xoàng vậy/ Gối tớ lưng tôi lúc nhúc đầy (Vô đề). Có giọng tin tưởng, lạc quan: Ngu công hết cháu non nên vũng/ Tinh vệ còn thân biển phải bằng (Lại y vận họa tiếp mười bài 9). Có giọng ngang tàng, khí phách: Hồ hải vị thù nam tử chí/ Phù dao an vấn kỷ thời hưu (Biển hồ chưa đáp được chí nam tử/ Gió phù dao [điển chỉ chí lớn tung hoành của người trai] sao lại hỏi ta lúc nào nghỉ ngơi – Lưu giản, bài 4); Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi sợ việc con con (Đập đá ở Côn Lôn). Rõ ràng, điển được dùng linh họat đã góp phần làm nên tính chất đa dạng trong giọng điệu của thơ Phan Châu Trinh.

3. Kết luận

Là một “đặc sản” của văn hóa, văn chương trung đại nhưng điển cố với sức sống tự thân đã nhanh chóng bước qua quỹ đạo trung đại để hoà vào đời sống hiện đại. Sự hiện diện của điển cố trong văn học, âm nhạc, báo chí, ngôn ngữ thường nhật thời hiện đại khẳng định điều này. Trong văn học giao thời, điển cố là một trong những nhịp cầu nối hai bờ trung – hiện đại. Điển trong thơ Phan Châu Trinh là một trường hợp như vậy.

Điển được sử dụng trong thơ Phan Châu Trinh một cách chủ động, tập trung, có chủ đích và hiệu quả đã mang lại nhiều giá trị quan trọng trong việc thể hiện cảm hứng yêu nước trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Trong tiến trình hiện đại hóa thơ của văn học đầu thế kỷ XX, sử dụng điển cố để chuyển tải những nội dung mới của thời đại mới, nhất là tư tưởng yêu nước, là một nỗ lực đáng ghi nhận của Phan Châu Trinh, nhà canh tân lớn nhất của Việt Nam thời kỳ này.

____________________________

(1) Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (2009), Văn học Việt Nam (1900-1945), NXB Giáo dục Việt Nam.

(2) Về số lượng câu thơ trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, theo Phan Châu Trinh toàn tập, tập 1, (Chương Thâu chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2005), vì “tôn trọng nguyên văn bản gốc “chưa định vị”” của cụ Phan nên chỉ ghi nhận phần diễn ca từ hồi 1 đến nửa đầu hồi 9 bản dịch Giai nhân kỳ ngộ chữ Hán của Lương Khải Siêu, gồm 3.939 câu thơ của cụ. Phần còn lại (từ nửa sau hồi 9 đến hết hồi 16) là do Trần Siêu “diễn ca” tiếp.

(3) Khi ra làm quan cho Pháp, Tôn Thọ Trường làm 10 bài Tự thuật để thanh minh cho quyết định của mình. Phan Văn Trị làm thơ họa lại để chế giễu. Phan Châu Trinh cũng làm 10 bài để công kích, đặt trên Thi xưa, sau đó làm tiếp thêm 10 bài nữa, đặt tên Lại y vận họa tiếp 10 bài.

(4) Vua nước Thục là Đỗ Vũ, hiệu Vọng đế, vì mất nước mà chết đi hóa thành chim đỗ quyên, tức chim tử quy, còn gọi là chim cuốc, suốt ngày kêu tên nước. Điển Đỗ quyên, Thục đế, tử quy, cuốc kêu trong văn chương thường được dùng với nghĩa nỗi nhớ nước khắc khoải khôn nguôi.

(5) Chu đỉnh quý: Cái quý của vạc nhà Chu. Phan Châu Trinh dùng điển này với dụng ý phê phán thế hệ cựu học đương thời vẫn còn lưu luyến với mộng làm quan giúp vua. Kỷ nhân ưu: Nỗi lo của người nước Kỷ. Theo sách Liệt tử, người nước Kỷ lo trời sập. Điển Kỷ nhân ưu được dùng trong văn chương với hàm nghĩa lo nỗi nước nhà. Túi áo giá cơm: Dạng chuyển dịch của điển y giá phạn nang ([cơ thể/ người] như cái giá treo áo, cái túi đựng cơm mà thôi), chỉ những kẻ tầm thường.

(6) Bắt nguồn từ cổ phúc nhi ca (vỗ bụng mà hát), điển chỉ thời Nghiêu Thuấn thiên hạ thái bình, người dân ăn no rồi hát ca vui vẻ.

(7) Trương tướng: Trương Tuần, tướng nhà Đường. Ông chống giặc An Lộc Sơn, trấn giữ thành Thú Dương, bị giặc bắt không chịu hàng, hiên ngang chửi mắng kẻ thù trước khi bị giết. Văn Sơn: Văn Thiên Tường, nhà nho thời Tống, chống giặc Nguyên, bị bắt. Trong thời gian bị cầm tù, ông làm bài Chính khí ca. Sau, bị hành hình vì không chịu hàng giặc.

(8) Viên Sùng Hoán: Nhà yêu nước cuối thời Minh, bị vu oan tư thông với Mãn Thanh và bị giết hại, bỏ thân trên đất nhà Thanh. Phan Châu Trinh dùng điển này để ngầm chỉ việc nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu lúc chết phải gửi thân trên đất bị Pháp chiếm. Đỗ Thiếu Lăng: Đỗ Phủ, nhà thơ kiệt xuất của Trung Hoa thời Đường.

(9) Đoàn Ánh Loan (2003), Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, NXB Đại học Quốc gia TPHCM.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dien-co-voi-the-hien-cam-hung-yeu-nuoc-trong-tho-phan-chau-trinh-post639721.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dien-co-voi-the-hien-cam-hung-yeu-nuoc-trong-tho-phan-chau-trinh-post639721.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điển cố với thể hiện cảm hứng yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh