Cô Đỗ Thị Thu Dương cho rằng quá trình triển khai một số giáo viên nhận thấy, một số chỉ số trong Bộ chuẩn PTTENT còn quá thấp hoặc quá cao so với nhu cầu phát triển giáo dục hiện nay.
Với trẻ thuộc khu vực nội thành thì chỉ số về phát triển thể chất khó thực hiện bởi diện tích sân chơi chưa đáp ứng yêu cầu so với một số chỉ số trong Bộ chuẩn. Một số giáo viên còn gặp khó khăn khi phải tự xây dựng bộ công cụ đánh giá, nhất là khi giáo viên phải tự xác định minh chứng cho các mục tiêu. Một số nội dung chương trình không có trong chuẩn và ngược lại khiến giáo viên mất nhiều thời gian để soi, đối chiếu.
Quá trình áp dụng triển khai Bộ chuẩn, cô Nguyễn Thị Loan cho rằng chỉ số còn mang tính vùng miền. Nhiều chỉ số đã có trong chương trình GDMN cần sửa đổi và thay thế.
Nhiều chỉ số không mang tính định lượng mà chỉ là định tính. Ví dụ như chỉ số 41 “trẻ biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực khi được an ủi, giải thích”, khó đưa vào chủ đề để thực hiện. Quá trình giảng dạy, khi trẻ có cảm xúc tiêu cực, cô mới nắm được trẻ có biết kiềm chế hay không, chứ bản thân cô khó có thể tạo tình huống ra để trẻ biểu hiện cảm xúc tiêu cực được. Để có bài tập để đánh giá chỉ số này là cả vấn đề.
Hay như tính liên thông lên tiểu học của Bộ chuẩn còn hạn chế. Với trẻ 5 tuổi chỉ dừng lại ở nhận biết chữ cái còn tô đồ hay sao chép mang tính chất tự do. Khi lên tiểu học thầy cô đã dạy viết, tô, viết chữ luôn. Vì thế, con đang học mầm non lên tiếp cận ngay với tiểu học thì khó khăn. Việc phụ huynh phải cho con học thêm để chuẩn bị lên lớp 1 là điều không tránh khỏi.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, ngoài những hạn chế nêu trên, quá trình thực hiện đánh giá chuẩn trẻ 5 tuổi, các nhà trường nhận thấy một số bất cập như: thiếu chỉ số đánh giá về kỹ năng ứng xử với mạng XH, CNTT; thiếu tính liên thông kiến thức lên tiểu học; một số chỉ số rất khó xây dựng bài tập để đánh giá như chỉ số 41, 45…
Điều chỉnh để phù hợp
Theo cô Loan, Bộ chuẩn PTTENT là công cụ để giáo viên xây dựng kế hoạch phát triển của trẻ xem đạt đến mức độ nào. Đồng thời đây cũng là căn cứ để cho phụ huynh thấy được cách xử lý của con khi con gặp tình huống và có hướng bồi dưỡng kỹ năng mềm cần thiết cho con.Nên đưa phần tập tô, chữ viết vào mầm non cho học sinh tập tô, tập viết theo định hướng chung chuẩn tiểu học.
Thời đại 4.0 trẻ được tiếp cận với công nghệ thông tin thì khả năng giao tiếp, kỹ năng xã hội tốt lên nhiều, trẻ mạnh dạn tự tin hơn nhiều, Bộ chuẩn cũng cần có những chỉ số yêu cầu về năng lực hành vi. Cần có một số chỉ số về cách ứng xử với mạng xã hội, những hành vi tốt, xấu.
Một số trường mầm non trên địa bàn Hải Phòng chung quan điểm rằng Bộ chuẩn cần bổ sung thêm yêu cầu về sử dụng ngoại ngữ cho trẻ mẫu giáo và các hoạt động thực hành kỹ năng như: Giáo dục Stem; hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm; ngành giáo dục cũng cần thống nhất đưa ra bộ công cụ ( bài tập) mang tính hệ thống, liên thông cho tất cả các độ tuổi mầm non, hướng dẫn đánh giá sự phát triển của trẻ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.