Bức xạ là hệ quả thứ yếu và nguy hiểm hơn nhiều của một vụ nổ hạt nhân. Theo cuốn sách “Sự lựa chọn hạt nhân cho thế kỷ XXI”, các quả bom phân hạch ném xuống Nhật Bản đã tạo ra bụi phóng xạ cục bộ.
Tuy nhiên, vũ khí nhiệt hạch hiện đại sẽ thổi chất phóng xạ lên cao tầng bình lưu (tầng giữa của khí quyển Trái đất). Từ đó, tạo ra bụi phóng xạ toàn cầu.
Mức độ của bụi phóng xạ phụ thuộc vào việc quả bom phát nổ trên không trung hay mặt đất. Nếu phát nổ trong không khí, tình trạng đó sẽ làm trầm trọng thêm bụi phóng xạ toàn cầu, nhưng giảm tác động tức thì ở mặt đất.
Trong khi đó, việc quả bom phát nổ ở mặt đất sẽ hạn chế tác động toàn cầu, nhưng có sức tàn phá đối với khu vực gần đó. Trong trường hợp không có tuyết hoặc mưa, bụi phóng xạ có thể rơi xuống mặt đất nhanh hơn.
Theo cẩm nang “Kỹ năng sinh tồn trong chiến tranh hạt nhân”, 48 giờ sau vụ nổ, một khu vực ban đầu tiếp xúc với 1.000 roentgens (một đơn vị bức xạ ion hóa) mỗi giờ sẽ hứng chịu 10 roentgens/giờ.
1/2 số người trải qua khoảng 350 roentgens trong một vài ngày có khả năng chết vì ngộ độc bức xạ cấp tính. Những người sống sót tiếp xúc với bụi phóng xạ có nguy cơ cao bị ung thư trong suốt phần đời còn lại.
Thông tin từ ICRC cho biết, các bệnh viện chuyên khoa ở Hiroshima và Nagasaki đã điều trị cho hơn 10.000 người sống sót sau vụ nổ năm 1945. Hầu hết các trường hợp tử vong trong nhóm này là do ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu ở các nạn nhân bị nhiễm phóng xạ cao gấp 4 - 5 lần mức điển hình trong 10 - 15 năm đầu tiên sau vụ nổ.
Thảm họa môi trường
Phóng xạ và bụi phóng xạ sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Tùy thuộc vào quy mô của một cuộc xung đột hạt nhân, các vụ nổ thậm chí có thể ảnh hưởng đến khí hậu. Ở một quốc gia như Ukraine - nơi sản xuất 10% lúa mì của thế giới, bụi phóng xạ có thể xâm nhập vào các vùng đất trồng trọt.
Nếu bụi phóng xạ xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm, nó có thể gây ra các vấn đề lâu dài hơn, như ung thư. Michael May - đồng Giám đốc tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế của Đại học Stanford (Mỹ) và Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, cho biết, i-ốt phóng xạ có thể gây ung thư tuyến giáp.
Tro và bồ hóng được đưa vào bầu khí quyển trong một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến khí hậu. Trong khi một hoặc hai vụ nổ hạt nhân sẽ không gây ảnh hưởng toàn cầu, việc phát nổ 100 quả bom có kích thước tương đương với vụ Hiroshima năm 1945 sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu xuống thấp hơn nhiệt độ của Kỷ Băng hà nhỏ.
Hiện tượng lạnh đột ngột như vậy có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và nguồn cung cấp lương thực. Kỷ Băng hà nhỏ đã gây ra mất mùa và đói kém vào thời điểm mà dân số toàn cầu chưa bằng 1/7 so với ngày nay.