Sức khỏe

Điều gì xảy ra với trái tim khi bạn thất tình?

19/09/2024 15:16

Hội chứng "trái tim tan vỡ" (còn gọi là Hội chứng Takotsubo) xuất hiện trên những người có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh nhưng bị căng thẳng về vấn đề tâm lý. Đây là bệnh không chỉ tác động lên sức khỏe tâm thần của bệnh nhân mà quan trọng hơn nó tác động lên quả tim của họ.

Khi chia tay một tình yêu, chúng ta thường sẽ buồn khổ và có những cảm giác như đè nặng trước ngực. Các triệu chứng này có thể xuất hiện khi chúng ta mất đi một ai đó trong gia đình hay khi gặp phải các vấn đề tâm lý nặng nề.

Các vấn đề tâm lý không chỉ gây trầm cảm, cô đơn, mệt mỏi mà còn có thể tác động lên cơ thể chúng ta.

Câu chuyện trái tim của chúng ta bị tan vỡ khi thất tình không chỉ có trong các tiểu thuyết ngôn tình mà là vấn đề khoa học thật sự trong thực hành lâm sàng tim mạch.

Trong y học, chúng tôi gọi vấn đề Hội chứng "trái tim tan vỡ" với cái tên khoa học là Hội chứng Takotsubo. Hội chứng "trái tim tan vỡ" là vấn đề bệnh lý nghiêm trọng không chỉ tác động lên sức khỏe tâm thần của bệnh nhân mà quan trọng hơn nó tác động lên quả tim của họ.

Hội chứng "trái tim tan vỡ" - Hội chứng Takotsubo là gì?

Takotsubo là tên gọi của một loại bẫy bạch tuộc của người Nhật. Hội chứng này được những bác sĩ người Nhật phát hiện ra đầu những năm 1990 trên những người có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh nhưng bị căng thẳng về vấn đề tâm lý.

Hội chứng Takotsubo cũng dễ chẩn đoán nhầm là nhồi máu cơ tim do triệu chứng và một số kết quả xét nghiệm đều tương tự nhau. Nhưng không giống như nhồi máu cơ tim, không có động mạch vành nào của Hội chứng này bị hẹp tắc.

Trong Hội chứng "trái tim tan vỡ", một phần trái tim của bệnh nhân sẽ tạm thời bị giãn rộng ra (phần mỏm của quả tim thường căng rộng ra giống như quả bóng) và không bơm máu tốt được, trong khi đó các phần khác của cơ tim lại bình thường, thậm chí có khi lại bóp mạnh hơn bình thường.

Hình ảnh (A) mỏm tim trái giãn rộng, phình lên giống chiếc bình trong bệnh Takotsubo so với (B) là bình thường.

Hình ảnh (A) mỏm tim trái giãn rộng, phình lên giống chiếc bình trong bệnh Takotsubo so với (B) là bình thường.

Ai dễ bị Hội chứng "trái tim tan vỡ"?

Hơn 90% các trường hợp là nữ giới tuổi từ 55 đến 75 tuổi. Bệnh thường xảy ra khi có một căng thẳng về tâm lý hoặc thể xác. Nó có thể xảy ra sau cái chết của người mình yêu, sau khi ly dị, khi chia tay bạn tình, khi phát hiện sự phản bội của người yêu, khi mất đi một tình yêu lãng mạn. Nhưng nó cũng có thể xảy ra khi đột ngột nhận một tin vui.

Một số nguyên nhân khác có thể gây Hội chứng "trái tim tan vỡ" như khi đón nhận một tin xấu (người thân gia đình mất, chẩn đoán bị bệnh hiểm nghèo), cãi nhau lớn, sợ hãi nhiều, cơn đau nhiều, bị ốm nặng, đột ngột tụt huyết áp…

Sinh lý bệnh của Hội chứng "trái tim tan vỡ"

Hiện nay, sinh lý bệnh của Hội chứng "trái tim tan vỡ" vẫn chưa được rõ ràng nhưng một số các nghiên cứu cho thấy các hormone khi có căng thẳng như adrenaline có thể làm "đông" cơ tim, làm nảy cò lên những thay đổi của tế bào cơ tim hoặc mạch máu cơ tim.

Các triệu chứng của Hội chứng "trái tim tan vỡ"

Hầu hết các triệu chứng là đau ngực và khó thở. Các triệu chứng làm bạn thấy giống những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm: chóng mặt, toát mồ hôi, mệt mỏi, nhịp tim không đều, huyết áp tụt.

Có thể cũng có xuất hiện các triệu chứng đau toàn thân như đau lưng, đau khớp, đau đầu. Có thể cũng có xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như chán ăn, mất cân, nôn.

Một số nghiên cứu cho thấy có thể có tình trạng giảm miễn dịch.

Một số bệnh nhân có thể có mất ngủ.

Các triệu chứng này thường xuất hiện vài giờ sau khi căng thẳng hoặc bị sốc. Đa phần các bệnh nhân có thể hồi phục sau vài tuần và ít có khả năng xuất hiện lại các triệu chứng.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị nặng, có thể tử vong. Các thống kê từ Nhật Bản cho thấy 7% bệnh nhân tử vong ngoại viện không rõ nguyên nhân là do Hội chứng "trái tim tan vỡ".

Phân biệt giữa Hội chứng "trái tim tan vỡ" và nhồi máu cơ tim

Triệu chứng lâm sàng đau ngực là khá giống nhau. Điện tâm đồ cũng cho thấy cả hai có thay đổi hình ảnh điện tim đặc biệt là đoạn ST chênh lên. Một số dấu hiệu khác biệt như:

Xét nghiệm máu không có tổn thương cơ tim.

Chụp động mạch vành không thấy tắc nghẽn động mạch vành.

Chụp buồng tim hoặc siêu âm tim thấy hình ảnh mỏm thất phải giãn rộng như quả bóng, di động bất thường. Hình ảnh này sẽ hồi phục sau vài ngày đến vài tuần phân biệt với nhồi máu cơ tim hồi phục sau hàng tháng.

Điều trị Hội chứng "trái tim tan vỡ" như thế nào?

Khi chưa có chẩn đoán rõ ràng, bệnh sẽ được điều trị giống như bị nhồi máu cơ tim. Người bệnh thường sẽ nhập viện và theo dõi trong thời gian này.

Khi đã được chẩn đoán xác định, một số thuốc được cho để làm giảm sức căng của tim và dự phòng nó không xảy ra tiếp theo như: các thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể, thuốc chẹn bêta, thuốc lợi tiểu.

Cách phòng tránh Hội chứng "trái tim tan vỡ"

Chúng ta ai cũng có thể có lúc đau buồn khác nhau. Điều quan trọng là làm thế nào để những đau buồn đó không ảnh hưởng quá nhiều để chúng ta có thể vượt qua.

Cách tốt nhất đầu tiên là xây dựng một lối sống lành mạnh. Tập thể dục đều đặn cùng chế độ ăn hợp lý giúp chúng ta giảm các cơn đau, nguy cơ tim mạch, các vấn đề tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ.

Khi gặp các vấn đề về tình cảm, hãy mở lòng ra với gia đình và bạn bè. Chúng ta cũng có thể đến gặp các bác sĩ tâm lý. Điều quan trọng nên nhớ là bạn không đơn độc. Chúng ta cần thời gian để quên và bình thường mọi chuyện. Cơn đau có thể không đi qua nhanh, nhưng với tình yêu và sự cảm thông của gia đình và bạn bè, chúng ta có thể vượt qua mọi chuyện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều gì xảy ra với trái tim khi bạn thất tình?