Thi trắc nghiệm trên giấy không thể đánh giá được các năng lực của học sinh theo yêu cầu chương trình giáo dục. Ví dụ, đối với môn Ngoại ngữ, trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, bài thi tốt nghiệp THPT chỉ có thể tập trung vào đánh giá kỹ năng đọc hiểu các loại văn bản, kỹ năng về từ ngữ, ngữ pháp.
Từ năm 2025, nhằm đánh giá tốt hơn năng lực người học, giảm xác suất đoán mò, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi về định dạng câu hỏi thi. Ngoài dạng câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (multiple choise item) quen thuộc, có thêm dạng câu trắc nghiệm đúng/sai (yes/no item) và trả lời ngắn (short answer item).
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, trong dạy học ở nhà trường, theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, cần chú ý một số điểm sau đây:
Thứ nhất: Phải đảm bảo sao cho học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực quy định ở Chương trình tổng thể và các chương trình môn học/hoạt động giáo dục.
Thứ hai: Dạy và học thực chất. Dạy học không phải chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, bước đầu giải quyết được vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã học.
Thứ ba: Để đánh giá được năng lực của học sinh, phải thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng dạng thức mới về câu hỏi thi mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành, kết hợp các hình thức đánh giá khác như đã nói trên.
Cô Vũ Thị Anh - Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) và học trò. Ảnh: NVCC |
Đưa một số gợi ý giúp các nhà trường, giáo viên khi sử dụng định dạng mới để lập ngân hàng câu hỏi thi, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh nhắc đến đầu tiên là bảng năng lực và cấp độ tư duy. Theo đó, ở ma trận đề thi theo nội dung quen dùng, cột đầu tiên bên trái thường liệt kê các chương, mục; các cột tiếp theo là mức độ tư duy tăng dần: Biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Ở định dạng đề thi mới của Bộ GD&ĐT, thay cho ma trận nội dung là bảng năng lực và cấp độ tư duy. Bảng này khác với ma trận đề thi theo nội dung ở cột đầu tiên bên trái và cột tiếp theo. Trong bảng năng lực và cấp độ tư duy, cột đầu tiên là các năng lực/thành phần năng lực cần đánh giá, ở cột tiếp theo được phân thành ba nhóm theo ba phương thức câu hỏi và trong mỗi nhóm có cột biết, hiểu, vận dụng (theo đúng Chương trình GDPT 2018 và không chia thành vận dụng, vận dụng cao như ma trận theo nội dung).
Như vậy, định dạng mới nhằm đánh giá năng lực học sinh. Vì thế, nội dung khoa học được chọn là chất liệu để xây dựng câu hỏi đánh giá năng lực. Đây là điều cần chú ý khi xây dựng câu hỏi/ngân hàng đề thi mới.
Về câu trắc nghiệm đúng/sai (yes/no item) ở phương thức II, theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, đây không đơn thuần là dạng câu hỏi đúng/sai truyền thống; trong đó, thí sinh phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là đúng hay sai. Trong định dạng mới của Bộ GD&ĐT, ở phương thức II, mỗi câu hỏi loại này gồm bốn lệnh hỏi nhằm đánh giá toàn diện hơn một vấn đề bao gồm bốn ý (a, b, c, d) có mức độ tư duy tăng dần.
Cần chú ý, mỗi năng lực hoặc thành phần cụ thể của năng lực đều có nhiều biểu hiện. Phương thức II nhằm đánh giá những biểu hiện của một năng lực hoặc các thành phần năng lực đó. Vì vậy, khi xây dựng câu hỏi cho phương thức II, giáo viên cần nhận thức rõ biểu hiện của năng lực hoặc thành phần năng lực mà mình muốn đánh giá thông qua việc khai thác một nội dung (kiến thức, kỹ năng) hoặc kết hợp nhiều nội dung. Câu hỏi thuộc phương thức này bao gồm bốn lệnh hỏi và nên hỏi về một vấn đề hoàn chỉnh theo mức độ tăng dần của cấp độ tư duy.
Về câu trắc nghiệm trả lời ngắn (short answer item) ở phương thức III, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh, câu hỏi dạng này đòi hỏi trả lời bằng ký tự số. Hơn thế nữa, thí sinh chỉ được phép trả lời trong giới hạn 4 ký tự và không được viết dưới dạng phân số. Khi xây dựng câu hỏi thi, giáo viên cần lựa chọn các nội dung sao cho có thể tạo được các câu hỏi với đáp số thỏa mãn yêu cầu này.
“Nhìn chung, với cấu trúc đề đã công bố sẽ thay đổi khá nhiều trong cách thức kiểm tra đánh giá nói riêng và hoạt động dạy - học ở phổ thông nói chung. Theo tôi, đây là tín hiệu tích cực và đáng được mong chờ. Tuy vậy, vẫn cần ít nhất 1 đề minh họa nữa mang đầy đủ nội dung của toàn bộ chương trình THPT để giáo viên, học sinh có cái nhìn rõ, toàn diện hơn nữa qua đó chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025”. - Thầy Đặng Xuân Chất (Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội)