Các nhà nghiên cứu lo lắng kiểu khuôn mẫu này sẽ củng cố định kiến rằng hoạt động thể chất phù hợp hơn với nam giới. Trong khi đó, các nhân vật nữ sẽ bị cho là thụ động và bị giới hạn trong các công việc chăm sóc gia đình. Điều này có thể khiến cho các học sinh nữ nghĩ rằng phụ nữ không phù hợp với những công việc đòi hỏi thể chất hoặc các hoạt động ngoại khóa.
Giáo viên có xu hướng thiên vị nam sinh ở các môn khoa học tự nhiên và thiên vị nữ sinh ở các môn khoa học xã hội. Ảnh minh họa: Pexels. |
Sách giáo khoa nói nam giới thường làm bác sĩ, kỹ sư - những công việc gắn với kỹ năng, kỹ thuật cao, giáo viên cũng cho rằng học sinh nam thường giỏi hơn ở các môn thiên về tư duy, tính toán.
Khi phỏng vấn một số giáo viên, hai đơn vị thực hiện khảo sát nhận thấy nam sinh thường được giáo viên đánh giá xuất sắc ở các môn tư duy, tính toán như khoa học tự nhiên. Trong khi đó, nữ sinh được kỳ vọng giỏi ở các môn đòi hỏi sự siêng năng và khả năng ghi nhớ như khoa học xã hội.
“Tôi thấy các bạn nam thường học giỏi các môn như Toán hoặc những môn cần tư duy nhanh. Các bạn nữ thường học thuộc lòng tốt hơn. Như vậy, với các môn Toán, Lý, Hóa, các bạn nam sẽ giỏi hơn”, một cô giáo chia sẻ.
Hai đơn vị này cũng phỏng vấn 12 học sinh và 10 em đồng ý rằng giáo viên ở trường có xu hướng thiên vị học sinh nam ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học và thiên vị học sinh nữ ở các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý.
Các học sinh cũng chỉ ra rằng giáo viên, một cách vô thức, thường ngụ ý học sinh nam bẩm sinh đã giỏi Toán và Khoa học hơn. Do đó, giáo viên thường dành cho học sinh nam nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn.
Điều này có thể khiến các học sinh nữ cảm thấy chán nản và kém tự tin hơn trong các môn học này. Đây là những thông tin được nhà nghiên cứu người Việt công bố trên trang Liverpool John Moores University Research Online.
Một nghiên cứu khác được công bố trên trang Umeå University vào năm 2020 cũng nêu rằng giáo viên thường nghĩ học sinh nam học giỏi là do tư duy tốt. Còn việc nữ sinh học giỏi là do chăm chỉ hoặc may mắn.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh chính điều này góp phần củng cố định kiến rằng nam sinh thông minh và tài năng hơn nữ sinh.
"Quan niệm cho rằng nam giới thường giỏi hơn trong các môn học cần 'tư duy' và 'tính toán', trong khi nữ giới giỏi các môn học đòi hỏi 'sự siêng năng' và khả năng 'ghi nhớ' có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến quá trình học tập của các em gái. Các định kiến giới có thể ảnh hưởng đến niềm tin của giáo viên về khả năng của học sinh và góp phần vào việc nữ sinh thường ít tham gia học tập và làm việc trong các lĩnh vực STEM", nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) nêu quan điểm trong một nghiên cứu công bố trên Frontiers Media SA vào năm 2017.