Doanh nghiệp đề xuất làm 2 dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng hơn 2.000 tỷ ở Hà Giang

Linh Phong | 25/06/2023, 10:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Onsen Fuji đã đề xuất ý tưởng dự kiến đầu tư 2 dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng có mức đầu tư 2.250 tỷ đồng ở Hà Giang.

Ảnh minh họa.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Onsen Fuji về phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng trên địa bàn tỉnh.

Trước buổi làm việc, đoàn đã đi khảo sát thực tế hiện trạng khu A, B của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thuộc địa bàn xã Việt Lâm (Vị Xuyên).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo khái quát về thông tin các khu vực dự kiến đầu tư; hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng của tỉnh; thực trạng khu nghỉ dưỡng suối khoáng Quảng Ngần.

Theo đó, diện tích đất thu hút đầu tư tại dự án khoảng trên 124 ha; đang thực hiện quy hoạch bao gồm khu A, B, C Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; vị trí tại thôn Nậm Thín, xã Quảng Ngần và thôn Chung, xã Việt Lâm. Dự án nằm trong đồ án quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2012 – 2020 của xã Việt Lâm.

Qua khảo sát, nghiên cứu thực địa, Onsen Fuji đã đề xuất ý tưởng dự kiến đầu tư 2 dự án tại đây, gồm: Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ và công viên khoáng nóng Wyndham Lynn Times Hà Giang, quy mô diện tích khoảng 10,1 ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng và Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng và thể thao Wyndham Lynn Times Hà Giang, quy mô diện tích khoảng 120 ha; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng.

Để sớm hiện thực hóa các ý tưởng đề xuất đầu tư, doanh nghiệp kiến nghị và đề xuất UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, đảm bảo đồng bộ và giải quyết dứt điểm các nội dung còn vướng mắc tại khu A, B, C của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Đồng thời, xem xét hướng dẫn công ty trình tự thực hiện các thủ tục tiếp theo để sớm triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động. Phía công ty cam kết, nếu được lựa chọn là nhà đầu tư của các dự án sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng,... theo quy định của pháp luật; triển khai thi công và hoàn thành đưa dự án vào vận hành trong năm 2025.

Tập đoàn Onsen Fuji tin tưởng rằng, khi các dự án đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho từ 1.000 đến 1.500 lao động (đặc biệt là lao động địa phương), góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển thế mạnh về dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Vị Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung, kết nối du lịch trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao ý tường đề xuất đầu tư của phía Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji; đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc để công tác thu hút đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng suối khoáng Quảng Ngần - Vị Xuyên đảm bảo theo quy định pháp luật, sớm được triển khai thực hiện. Các đơn vị liên quan chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; sớm hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, khu du lịch suối khoáng Quảng Ngần để làm cơ sở cho các đơn vị triển khai các bước tiếp theo.

Onsen Fuji của ai?

Theo tìm hiểu, Onsen Fuji được thành lập vào tháng 10/2018. Khi ấy, doanh nghiệp có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Grand Plaza, số 111 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội – một địa chỉ gợi nhắc tới một nhóm doanh nghiệp khá quen mặt trên thị trường tài chính Việt Nam.

Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, với ba cổ đông là Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh (49%); ông Đặng Mạnh Quân (1%) và bà Đặng Thanh Tú (50%). Người đại diện theo pháp luật thời kỳ này là bà Đặng Thanh Tú (SN 1983).

Tại lần đăng ký thay đổi lần 2 (23/4/2019), trụ sở chính của Onsen Fuji được chuyển về đường Phạm Huy Thông, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội như hiện nay.

Tại lần đăng ký thay đổi lần thứ 5 (2/11/2020), người đại diện theo pháp luật được đổi sang ông Nguyễn Hoàng Linh (SN 1979) còn bà Đặng Thanh Tú làm Chủ tịch HĐQT. Được biết, bà Đặng Thanh Tú là vợ ông Nguyễn Hoàng Linh.

Ở lần cập nhất mới đây (26/12/2022), Onsen Fuji có vốn điều lệ đạt 1.277 tỷ đồng, tức tăng gấp 25,5 lần so với mức khởi đầu. Ông Phạm Công Khanh (SN 1979) làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Đáng chú ý,  vị doanh nhân Nguyễn Hoàng Linh không mấy xa lạ với giới tài chính. Bên cạnh việc ông Nguyễn Hoàng Linh đồng thời đứng tên tại nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Onsen Fuji, như Công ty TNHH Onsen Fuji Hà Nam, CTCP Onsen Fuji Ba Bể, CTCP Onsen Fuji Bắc Kạn, CTCP Khách sạn Onsen Fuji,...; vị doanh nhân sinh năm 1979 này có mối liên hệ mật thiết với nhóm APEC gồm API, IDJ, APEC Group.

Tại APEC Group, thời điểm mới thành lập năm 2007, công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, ông Linh nắm giữ 65% vốn điều lệ. Giai đoạn đầu (từ khi thành lập đến tháng 6/2020), ông Linh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện tại APEC Group.

Bên cạnh đó, ông Linh từng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc (đến 31/3/2020) rồi thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ).

Ngoài IDJ, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã: API), hiện ông Nguyễn Hoàng Linh làm phó tổng giám đốc.

Bài liên quan
Hết tháng cô hồn, cổ phiếu bất động sản vẫn liên tục gặp biến cố
Trong thời gian qua, cổ đông và nhà đầu tư cổ phiếu DIG liên tục gặp những cú sốc như chủ tịch doanh nghiệp này qua đời, công ty bị thanh tra và cổ phiếu vừa phục hồi đã quay đầu giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp đề xuất làm 2 dự án nghỉ dưỡng khoáng nóng hơn 2.000 tỷ ở Hà Giang