Ông Giang Chấn Tây nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Như Ý
Cũng theo ông Thật, trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng.
Tại tọa đàm, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), nhấn mạnh Bộ Công Thương nói rằng chiết khấu là do "thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh", tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự "ban phát" từ doanh nghiệp đầu mối. "Điều doanh nghiệp bán lẻ muốn là sự căn cơ, chứ không phải là sự thất thường này" - ông Tây nói.
Ông Giang Chấn Tây cho rằng quy định hiện hành cho thấy chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng chỉ vì không ghi rõ tỉ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: Như Ý
Về vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng các ý kiến nêu ra tại tọa đàm đều có ý đúng, nhưng phải đặt ngược lại câu hỏi tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra.
"Chúng ta phải xem bản chất nguyên nhân là gì mà trong khoảng một năm trở lại đây mới nêu ra vấn đề quy định chiết khấu tối thiểu" - ông Trần Duy Đông nói và nhấn mạnh chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...
Theo ông Đông, chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? "Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỉ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học" - ông Đông nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng CPI nhà nước làm sao, như vậy có công bằng không trong nền kinh tế...
Ông Đông nhấn mạnh cần xem xét thấu đáo các vấn đề khi sửa đổi quy định. "Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít, tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng" - ông Đông nêu rõ.