Quý II/2024 cũng là quý có mức tăng trưởng cao nhất tính từ đầu năm 2022 với mức tăng 9,5% so với cùng kỳ của VNM.
Vinamilk công bố kết quả kinh doanh Quý II/2024 với hàng loạt điểm sáng. Tổng doanh thu hợp nhất Quý II/2024 của Vinamilk đạt 16.665 tỷ đồng, vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng của Quý III/2021 để trở thành quý có doanh thu cao nhất lịch sử. Đây cũng là quý có mức tăng trưởng cao nhất tính từ đầu năm 2022 với mức tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Kết quả này được hỗ trợ bởi cả hoạt động kinh doanh trong nước và nước ngoài với mức tăng trưởng tăng lần lượt 5,8% và 29,9% so với cùng kỳ. Với sự tăng tốc trong Quý II/2024, tổng doanh thu hợp nhất lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 30.790 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 48,7% kế hoạch năm.
Vinamilk của đại gia Mai Kiều Liên đạt doanh thu khủng
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý II/2024 đạt 2.695 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.903 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 52,3% kế hoạch năm.
Xét về cơ cấu nguồn thu, thị trường nước ngoài đóng góp tới 18,5% doanh thu hợp nhất Quý II/2024. Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5,9% trong Quý I/2024.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM liên tục đi lên trong thời gian qua. Cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng liên tiếp. Phiên hôm nay, VNM tăng 5,76%, đạt 71.600 đồng/cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng gần 370 tỷ đồng mã VNM. Cụ thể, khối ngoại mua vào hơn 6,2 triệu cổ phiếu, trong khi số lượng cổ phiếu bán ra chỉ hơn 1 triệu đơn vị.
Không chỉ nhận lực cầu từ khối ngoại, VNM cũng hút mạnh dòng tiền từ nhà đầu tư nội. Theo thống kê, tổng khối lượng cổ phiếu VNM được khớp lệnh phiên hôm nay đạt trên 21 triệu đơn vị, tương đương 1.490 tỷ đồng. Đây là phiên giao dịch có thanh khoản lớn nhất trong lịch sử giao dịch của VNM.
VNM là một trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường khi mang về cho Vn-Index 2,34 điểm. VNM cùng với VCB, GAS, BID,... đã giúp thị trường chứng khoán duy trì sắc xanh.
Mở cửa giao dịch sáng nay, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện, xu hướng tăng giá đồng thuận ở nhiều nhóm ngành đẩy VN-Index vượt mốc 1.255 điểm.
Thị trường phiên chiều chứng kiến áp lực bán tăng cao ở nhóm midcap và penny khiến nhiều mã quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, nhóm vốn hóa lớn vẫn là nhân tố gồng đỡ giúp VN-Index trụ vững trên mốc 1.250 điểm.
Kết quả phiên giao dịch ngày 31/7, VN-Index tăng 6,45 điểm (0,52%) lên 1.251,51 điểm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (0,22%) xuống 235,36 điểm, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (0,18%) xuống 95,07 điểm.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng tích cực
Thanh khoản tăng mạnh trở lại, tiến sát mốc 20 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 19,6 nghìn tỷ đồng. Toàn thị trường ghi nhận 206 mã tăng, 224 mã giảm và 68 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm ngân hàng vẫn là nhân tố tác động tích cực nhất lên thị trường phiên hôm nay. VCB với mức tăng 1,9% giúp VN-Index có thêm gần 2,4 điểm. BID tăng 1,71%, TCB tăng 1,31%, VPB tăng 2,43%, ACB tăng 1,66%, HDB tăng 3,95%, VIB tăng 2,91%.
Ở nhóm chứng khoán, VIX bất ngờ tăng kịch trần trong khi các mã còn lại giao dịch khá ảm đạm.
Nhóm thép giao dịch tiêu cực trong phiên hôm nay sau thông tin thép HRC Việt Nam nguy cơ bị Ủy ban châu Âu điều tra chống bán phá giá. SMC và TLH đóng cửa giảm kịch sàn, TVN lao dốc 7%, VGS mất 6%,... Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đóng cửa giảm 2,5% xuống 27.200 đồng/cp, trở thành lực cản lớn nhất thị trường phiên hôm nay.
Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024 mới công bố, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcap có quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán với nhiều yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô, lãi suất ổn định và định giá P/E đang ở mức hấp dẫn.
Chuyên gia của Vietcap duy trì quan điểm tích cực về thị trường và giữ nguyên mục tiêu VN-Index các năm 2024 và 2025 lần lượt là 1.350 và 1.550 điểm. Điểm sáng của thị trường có thể sẽ thuộc về nhóm ngành vốn hóa lớn. Theo đó, chuyên gia của Vietcap khuyến nghị gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngành Ngân hàng và Tiêu dùng. Bởi, tăng trưởng GDP nhanh hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng mạnh hơn và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng.