Đọc hiểu bài Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh theo thể loại

Nguyễn Văn Lự | 09/02/2023, 08:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đọc hiểu thơ theo thể loại Đường luật với học sinh lớp trung học theo chương trình Ngữ Văn 2018 không đơn thuần là trình bày cảm nhận về bài thơ.

Chương trình Ngữ văn 2018 đặt ra yêu cầu trang bị tri thức cơ bản cần có để học sinh đọc và hiểu thơ và thơ Đường luật nói riêng, từ đó nhận biết và phân tích được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố như hình ảnh, vần điệu, đối, chủ thể trữ tình, đề tài, chủ đề và giá trị nội dung…Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về kỹ năng đọc hiểu thơ Đường luật chữ Hán.

Thơ Đường luật là thể loại thơ nổi tiếng từ thời nhà Đường - Trung Quốc rất quen thuộc với người Việt Nam hàng nghìn năm nay. Nhiều bài thơ nổi tiếng chữ Hán, chữ Nôm và Quốc ngữ theo thể Đường luật của người Việt đã làm rạng rỡ kho tàng thi ca của dân tộc. Bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh là một trong những thi phẩm vừa chuẩn về luật thơ, vừa sâu sắc về nội dung thể hiện vẻ đẹp tâm hồn yêu thiên nhiên, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay những ngày đầu kháng chiến chống Thực dân Pháp vô vàn cam go của cách mạng.

Đọc hiểu bài thơ Đường luật có những yêu cầu riêng. Yêu cầu quan trọng nhất cần chú ý đặc điểm thể loại, văn tự nguyên tác chữ Hán và phần dịch nghĩa. Phần dịch thơ theo Đường luật hay lục bát không thể hiện được ý nghĩa từ ngữ nguyên bản. Cách hiểu thơ Đường luật chữ Hán lâu nay phần nhiều thoát li nguyên tác, chỉ tập trung phân tích bài thơ dịch đã làm mất đi giá trị thực mà người viết muốn ký gửi. Khó khăn nhất của thầy và trò khi thực hiện chương trình 2018 là thiếu tri thức về Hán tự và thi luật thơ Đường.

Bài thơ được viết sau cuộc họp quan trọng bàn việc kháng chiến chống Thực dân Pháp khi quân Pháp tấn công Việt Bắc năm 1948. Tại chiến khu hoang dã và bí mật Việt Bắc, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ trở về trên thuyền giữa đêm trăng Rằm tháng giêng. Nhà thơ ngẫu hứng tả cảnh và bày tỏ niềm vui lạc quan sau khi việc lớn đã xong. Hai bản dịch thơ dẫn ở trên đều toát lên tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước và tâm trạng vui của thi nhân.

Hai dịch giả đã diễn đạt được bức tranh không gian mùa xuân rộng lớn đầy huyền diệu, trăng lồng lộng, cảnh vật tràn đầy không khí mùa xuân, cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng. Dù không có từ ngữ nào miêu tả con người nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nhà thơ điềm tĩnh ngồi trên thuyền say đắm quan sát và cảm nhận đêm trăng huyền bí trên sông mùa xuân dày đặc sương và sóng nước lay động. Vẻ đẹp đêm khuya mùa xuân càng tô đậm không gian bí ẩn của sông nước Việt Bắc.

Không ít bạn đọc đã khen nhiều về chữ “lồng lộng”, “bát ngát”, “ngân” “lẫn” trong bản dịch của Xuân Thủy (người đồng chí trong đoàn cán bộ Việt Minh dịch bài thơ được Bác Hồ khen). Dĩ nhiên, thơ dịch rất khó đạt được cả ý và luật thơ. Dịch theo lục bát thì uyển chuyển, nhịp nhàng, dịch theo Đường luật thì cốt đạt ý tứ.

Vấn đề căn cốt khi cảm nhận bài thơ Đường luật chữ Hán hàm súc, vần luật chặt chẽ cần phải dựa nguyên tác. Đọc phiên âm bài Nguyên Tiêu, chúng ta mới thấy được âm hưởng sang trọng và hào sảng, tự tại và ung dung của thi nhân. Ba âm cuối (viên, thiên, thuyền) đều thanh bằng gợi lên tâm thế thi sĩ ngồi trong yên lặng, dõi theo chuyển động con thuyền qua từng đoạn sông.

Bản dịch của Xuân Thủy theo thể lục bát

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Nguồn Thi viện.net)

Bản dịch của Hoàng Tâm theo thể Đường luật

Trăng sáng vừa tròn rằm tháng giêng,

Trời xuân lồng lộng nước sông in.

Nơi quân bàn bạc dầy sương khói,

Vừa lúc nửa đêm trăng ngợp thuyền.

(Nguồn Thi viện.net)

Câu 1 (Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên) đã nói rõ thời gian (đêm nay, rằm tháng giêng, trăng tròn) và không gian mở ra ở câu thực ở cả ba chiều với 3 sự vật (Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên), sông xuân, nước xuân tiếp nữa là trời xuân.

Nếu theo bản dịch thơ thì không có thời gian và không gian. Mùa đông giá lạnh, sương khói mịt mùng, sóng nước khẽ chuyển động, mọi thứ nhờ có ánh trăng mà cảm nhận được. Sự huyền bí và lãng mạn của cảnh đêm trăng sáng lúc đó không như nhiều hậu sinh tán dương trên sách báo. Đoàn cán bộ đầu não của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ họp bàn việc cơ mật trên giữa sông Lô phải tuân thủ nghiêm ngặt “lai vô ảnh, khứ vô hình” để thoát sự săn lùng của giặc Pháp. Cán bộ phải tuyệt đối im lặng giữa dòng nước lấp lánh ánh trăng. Trời trong veo như nhung, không gợn mây, lặng gió và mặt sông dày đặc sương khói.

Hai câu đề và thực tả cảnh đêm trăng có thật trên chiến khu. Ai đó đã hiểu suy diễn, chữ “xuân” lặp lại 3 lần để tả cảnh xuân rực rỡ và bát ngát, bầu trời tự do, ánh trăng tuyệt đẹp. Lặp lại chữ “xuân” theo luật Đường thi, có lẽ Bác chỉ muốn người đọc cảm nhận mùa xuân hiện hữu ở tất cả mọi thứ (sông, nước, trời) và xuân đến trong lòng mỗi người.

Cảm giác về mùa xuân vui, đoàn tụ gia đình nơi “thâm xứ” heo hút, bao hiểm nguy năm 1948 như một ước mơ xa vời trong lòng đoàn cán bộ giữa rừng đại ngàn thiếu thốn và gian khó. Câu thơ của Bác với điểm nhấn từ “xuân” muốn các đồng chí khi đọc khơi gợi được cảm giác và cảm xúc về mùa xuân của đất trời. Âm Hán tự, nhịp thơ, thanh bằng của câu thơ tiếp thêm tinh thần tự tại, tin tưởng và ung dung, vững vàng đối mặt với ma thiêng nước độc của Việt Bắc khi Thực dân Pháp kéo quân tìm diệt Việt Minh.

Đọc hiểu bài Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh theo thể loại ảnh 1

Bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh. Ảnh Văn Lự

Hai câu luận và kết (Nơi khói sóng nước xa bàn việc quân/ Nửa đêm trở về thuyền đầy trăng thanh) tác giả vẫn sử dụng lối tả thực quen thuộc của Đường thi. Nơi sương khói, giữa sông bàn việc đánh Pháp của dân tộc. Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng. Cảm nhận của thi sĩ miêu tả chân thực sự việc và sự vật, thời gian và không gian vào thời điểm nửa đêm, không gian vào tĩnh lặng, hoang vu và bí ẩn. Chỉ còn người cán bộ -nhà thơ đang mải mê ngắm trăng suông trôi theo con thuyền về căn cứ.

Nhiều bản dịch thơ đã không thể hiện đầy đủ ý nghĩa của từ “yên ba- khói sóng”, từ “thâm xứ-xa thẳm”, và từ “dạ bán-nửa đêm”, từ “nguyệt mãn thuyền- ánh trăng đầy thuyền”. Bí mật của thơ Đường luật chữ Hán là “ý tại ngôn ngoại- ý nghĩa ở ngoài lời”, mỗi từ ngữ được dùng đều nhiều ý nghĩa. Giải nghĩa từ ngữ là cách đọc và hiểu đúng thơ Đường luật.

Bài thơ tứ tuyệt kể câu chuyện đi họp bí mật của thi sĩ- chiến sĩ - lãnh tụ giữa đêm Nguyên Tiêu ở chiến khu Việt Bắc xa xôi. Có lẽ người đọc nên khám phá bài thơ dưới ánh sáng của Đường thi hơn là dùng nhiều mĩ từ với suy diễn thoát li câu chữ của nguyên tác. Ngôn ngữ Hán được chắt lọc nhưng dễ hiểu. Trở về lòng dạ lâng lâng giữa đêm rằm tháng giêng trăng sáng quá, đẹp quá tự nhiên quên hết gian khổ và hiểm nguy, quên hết lo âu, việc của Cách mạng. Bác Hồ ngồi trên thuyền nhỏ mà trải hồn tâm giao với trăng, khói sương và cảnh vật, người chiến sĩ đã thành nhà thơ vào giữa đêm trăng rừng Việt Bắc!

Bài thơ tứ tuyệt Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bí ẩn và cách tiếp nhận mới. Đọc hiểu thơ Đường chữ Hán nói chung và thơ Bác nói riêng theo thể loại, tôn trọng thi pháp và văn bản nguyên tác sẽ góp phần từng bước làm thay đổi cách dạy và học Ngữ văn hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc hiểu bài Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh theo thể loại