Trẻ thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng độc đáo
Khi đọc sách bé sẽ hỏi bạn rằng "Mẹ ơi, công chúa là gì, hoàng tử là gì ạ? Mẹ ơi, nước biển sao lại có màu xanh, mà khi múc lên con lại chẳng thấy màu gì?"... Với trẻ, mọi thứ xung quanh đều mới mẻ, muôn màu muôn vẻ, do vậy, sách sẽ là công cụ giúp con tiếp cận với thế giới mới đó đơn giản và dễ dàng nhất. Kiên nhẫn lắng nghe con khi đọc sách, bố mẹ chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị phải bật cười vì những câu hỏi tại sao mà chính mình cũng không nghĩ tới.
Một khả năng diệu kỳ khác của việc đọc sách là giúp các bé gia tăng khả năng tập trung. Với các thiết bị như tivi, máy tính bảng, smartphone, sự tập trung của các bé mang tính thụ động còn với hoạt động đọc sách đòi hỏi trẻ buông lỏng đầu óc để thư giãn, tập trung vào câu chữ. Nhờ đó mà bộ não sẽ được kích thích, nâng cao hiệu quả của khả năng tập trung.
Nhà bác học Albert Einstein từng nhận định: “Sáng tạo còn quan trọng hơn cả kiến thức. Trong khi tri thức định hình tất thảy những gì ta biết và hiểu, thì óc sáng tạo đưa ta tìm tòi và tạo ra những mới mẻ chưa từng có”. Trẻ con có một sự sáng tạo vô cùng lớn mà nhiều khi chính bản thân những người lớn đều không nghĩ ra. Một trong những điều thú vị của việc đọc sách là bé được thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng độc đáo đó.
Thay vì cho con đi học sớm trước khi vào lớp một, bố mẹ hãy dành thời gian đọc sách cho con. Chỉ cần ngồi xuống và đọc sách cho con bằng niềm yêu thích thật sự, giáo dục thực ra rất giản dị như vậy. Mọi người sẽ thấy việc đọc này tạo ra phép màu. Đó cũng là động lực thôi thúc trẻ thích và có thể khám phá mọi điều của cuộc sống từ chính những cuốn sách mình đọc.
Chia sẻ và lắng nghe khi đọc sách cùng con
Đan xen với việc kể và đọc cho con, bố mẹ có thể đặt ra những câu hỏi, tình huống khéo léo như "Con có thích nhân vật này không?", "Nếu con bị lạc đường giống bạn nhỏ trong truyện, con sẽ làm gì?", "Trả lại đồ cho người bị mất là tốt hay xấu?” và vô vàn những câu hỏi khác mà trong quá trình đọc sách hay kể chuyện, bố mẹ có thể lồng nghép cùng.
Từ việc đặt ra những câu hỏi trên, bố mẹ hãy lắng nghe quan điểm của bé, để con tự diễn đạt ý theo vốn từ vựng, ngôn ngữ mà mình có. Chính việc diễn đạt này sẽ giúp con tăng khả năng phát triển ngôn ngữ, mạnh dạn, tự tin nói lên suy nghĩ của mình để từ đó, bố mẹ hiểu con hơn, sửa cho con lỗi sai, động viên khích lệ tinh thần khi con hiểu đúng vấn đề, sự việc.