“Trong quá trình tập huấn bồi dưỡng sách giáo khoa lớp 3, các chủ biên tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Tiếng Việt. Chính vì vậy, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT càng củng cố thêm quyết tâm cho giáo viên phải đổi mới trong quá trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới...”, cô Nguyệt trao đổi.
Tuy nhiên yêu cầu tránh dùng lại ngữ liệu, văn bản trong sách giáo khoa để kiểm tra đánh giá đọc hiểu và viết đối với học sinh Tiểu học, cô Nguyệt còn băn khoăn nhất định bởi trẻ tiểu học tư duy ở mức độ thấp. Nếu đưa ra ngữ liệu hoàn toàn mới ít nhiều khiến các em khó tiếp cận và chậm đạt yêu cầu cần đạt. Những học sinh có tư duy và sức học tốt sẽ thích nghi và đáp ứng nhanh hơn.
“Điều này đòi hỏi giáo viên khi xây dựng câu hỏi, bài tập kiểm tra đánh giá phải cân nhắc để bảo đảm phù hợp và cần căn cứ theo yêu cầu cần đạt từng khối lớp, đặc điểm học sinh. Không bê nguyên văn bản, ngữ liệu trong sách để kiểm tra nhưng cũng không nên quá mới lạ, gây khó học trò…”, cô Nguyệt bày tỏ.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thanh Loan - giáo viên lớp 3 Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cũng khẳng định cần đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá với môn Tiếng Việt. Bởi điều đó sẽ “tháo gỡ” tình trạng thầy dạy đọc chép, yêu cầu học thuộc văn mẫu khiến trò bị triệt tiêu sáng tạo. Hơn thế đây còn là “cú hích” để giáo viên phải thay đổi tư duy, phương pháp dạy học, kiểm đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học. Khi nào giáo viên đổi mới hiệu quả cách dạy học, kiểm tra đánh giá thì học sinh sẽ thay đổi lối mòn học văn.
Dạy học môn Tiếng Việt tại Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang). Ảnh: NTCC |
Lưu ý cần thiết
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” khẳng định: Hướng dẫn đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông của Bộ GD&ĐT vừa đưa ra không làm thay đổi quá nhiều cách kiểm tra đánh giá cấp tiểu học. Bởi việc đổi mới này đã được các trường triển khai và đặc biệt khi dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới.
Giáo viên khá thành thạo trong việc dùng các ngữ liệu, văn bản ngoài sách giáo khoa để kiểm tra đánh giá, hoặc thay đổi ngữ liệu khi dạy học cho phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, để việc đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá môn Tiếng Việt ở cấp tiểu học đạt hiệu quả cao nhất, đi đúng tinh thần hướng dẫn thì đội ngũ giáo viên phải nắm thật chắc yêu cầu cần đạt của chương trình.
Mặt khác, vấn đề lựa chọn ngữ liệu, văn bản để xây dựng câu hỏi, bài tập đánh giá định kỳ đặc biệt lưu ý về độ khó và độ dài. Văn bản, ngữ liệu cần có độ dài phải tương ứng với thời gian làm bài thi viết và đọc; đạt mức độ phù hợp với những gì sách giáo khoa đổi mới và học sinh được học; tránh việc kiểm tra đánh giá làm khó cho học sinh.
“Dạy học kiểu đọc chép với học sinh tiểu học thì tác hại thấy rất rõ là các em có ít vốn từ, không biết cách đặt và dùng câu, không hình dung ra một đoạn văn phải triển khai (kể, tả…) thế nào. Điều đó khiến học sinh mất đi nền móng sáng tạo, ngôn từ, vốn câu… Các em không chỉ ảnh hưởng trong suốt quá trình học tập mà cả tư duy, kỹ năng diễn thuyết, trình bày vấn đề… trong công việc và cuộc sống sau này”. - Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, giáo viên Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội)