Cô Hà chia sẻ: Từ việc dạy học chủ đề tích hợp “Tự sự dân gian Việt Nam” (10 tiết) cùng với các bài học được thiết kế theo thể loại, chúng tôi thiết kế cấu trúc theo đặc trưng của thể loại gắn liền với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh.
Cụ thể với khâu chuẩn bị bài dạy và khâu thực hiện hoạt động học tập gồm 5 phần: Xác định mục tiêu bài học; Thiết kế nội dung; Lựa chọn phương pháp, kĩ thuật dạy học; Thiết kế hoạt động dạy học; Coi trọng phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Về phương pháp kiểm tra, đánh giá, nhấn mạnh vào việc hiểu, khám phá, đặc biệt là vận dụng kiến thức bài học trong những tình huống/ bối cảnh khác nhau; học sinh được viết cảm nhận của mình về chủ đề bài học, các hoạt động trải nghiệm mà mình được tham gia.
Khi thiết kế các bài dạy tác phẩm văn học dân gian gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học môn Ngữ Văn, chúng tôi luôn coi trọng các năng lực cần hình thành sau:
Năng lực giải quyết vấn đề; Năng lực sáng tạo; Năng lực hợp tác; Năng lực thưởng thức văn học/cảm thụ thẩm mĩ
Cùng đó, khâu thực hiện sau hoạt động dạy: Giáo viên và học sinh cùng đánh giá, thống nhất về cách thức thực hiện hoạt động dạy - học; những vấn đề ưu điểm, hạn chế, các năng lực mà các em sẽ được hình thành, rèn rũa qua bài học đó; những tìm hiểu, mở rộng được thực hiện sau bài học,…
Theo chia sẻ của cô Hà: Sáng kiến “Dạy học văn học dân gian Việt Nam gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh khối 10 trường PTDTNT tỉnh Điện Biên” đã được áp dụng hiệu quả trong năm học 2020- 2021. Đối tượng thực nghiệm là 10A1, 10A3; các lớp đối chứng là 10A2, 10A4.
Sau khi áp dụng các giải pháp nói trên, kết quả nhận thấy rõ nét là học sinh chủ động, tích cực hơn trong quá trình học tập, môn Ngữ văn thực sự không còn là tiết học nặng về lí thuyết, giáo viên giảng học trò ghi nữa mà học trò chính là những người chủ động, khám phá tri thức, bày tỏ những cảm thụ cá nhân và những sáng tạo của bản thân xuất phát từ nội dung bài học.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng bài học, chủ đề học tập cụ thể, giáo viên, học sinh cùng tham gia các hoạt động để đạt được một mục đích; học sinh chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động dưới các hình thức khác nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Được biết, sáng kiến của cô Hoàng Thị Hà và đồng nghiệp đã nhận được hưởng ứng, tham gia áp dụng hiệu quả tại:Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên; Trường PTDTNT- THPT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên;Trường THPT Phan Đình Giót, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.