Với Phú Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập thông tin, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cơ bản đã hoàn thành chọn sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo kế hoạch. Riêng môn Giáo dục Quốc phòng an ninh cấp THPT và môn Lịch sử lớp 10, sở GD&ĐT đang hoàn thiện các hồ sơ để báo cáo trình chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định. Công tác lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản thuận lợi.
Giáo viên Trường Tiểu học Bích Động (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa năm học 2023 - 2024. |
Cũng theo ông Phùng Quốc Lập, sau khi UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt và công bố danh mục sách giáo khoa được sử dụng trên địa bàn tỉnh, sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị có sách giáo khoa được lựa chọn để tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhà trường; đồng thời tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa, hoàn thành trước khi vào năm học mới.
Tương tự, Sở GD&ĐT Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị công bố rộng rãi với nhiều hình thức về danh mục sách giáo khoa nhà trường sẽ sử dụng trong năm học tới. Đồng thời, chủ động liên hệ với đầu mối đã được tổ chức, cá nhân ủy quyền cung ứng sách giáo khoa để đăng ký số lượng, bảo đảm đầu năm học mọi học sinh đều có sách giáo khoa để học tập. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên sử dụng sách có hiệu quả, cũng như khai thác nguồn tài nguyên sách để dạy học.
Thế hệ tương lai |
“Với học sinh khó khăn, diện chính sách, ngành Giáo dục chỉ đạo nhà trường thực hiện chuyển tặng sách giáo khoa từ các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà tài trợ, cha mẹ học sinh. Ngoài ra, nhà trường còn trang bị sách tại thư viện để hỗ trợ học sinh sử dụng khi có nhu cầu. Trong nhiều năm qua, Bến Tre luôn theo dõi sát vấn đề này, không để tình trạng học trò gặp khó khăn, thiếu sách giáo khoa học tập”, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy cho hay.
Với An Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh thông tin, Sở GD&ĐT bước đầu có thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng sách giáo khoa để liên hệ với đơn vị cung ứng. Phối hợp chính quyền địa phương vận động cơ sở kinh doanh chuẩn bị các loại sách giáo khoa phục vụ cho học sinh. Chỉ đạo và theo sát việc đơn vị liên hệ với nhà cung cấp để cung ứng, trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh vào năm học mới.
Đối với học sinh đồng bào dân tộc, học sinh nghèo, ông Trần Tuấn Khanh trao đổi, nhà trường tranh thủ từ nguồn kinh phí được giao, hoặc nguồn tài trợ, vận động để bảo đảm học sinh có đủ sách học tập. Đối với học sinh học Chương trình GDPT 2006, sở chỉ đạo nhà trường vận động học sinh học lớp trước ủng hộ sách giáo khoa cho thư viện để cung cấp sách cho học sinh lớp sau sử dụng. Chính vì vậy, nhiều năm qua học sinh của An Giang không gặp khó khăn về sách giáo khoa khi vào năm học mới.