Phá vỡ nguyên tắc tuổi nghỉ hưu
Giải trình đề xuất trên của BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi) nêu quan điểm không đồng thuận tiếp thu đưa vào dự luật. Bộ này lập luận, đề xuất trên không phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về tuổi nghỉ hưu, nguyên lý của chế độ hưu trí (thu nhập lúc không còn sức khỏe làm việc).
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, nếu đóng BHXH vượt thời gian có lương hưu tối đa để được nghỉ hưu sớm là chưa đúng nguyên tắc của BHXH và tuổi nghỉ hưu. BHXH ngoài nguyên tắc đóng - hưởng còn nguyên tắc chia sẻ. Thời gian đóng BHXH vượt mức trần, một phần được trả khi nghỉ hưu, một phần được hoà vào quỹ chung để chia sẻ với người đóng thời gian ngắn, mức lương hưu thấp.
Với tuổi nghỉ hưu, định hướng chính sách đang khuyến khích nghỉ hưu muộn (tăng tuổi nghỉ hưu) và đóng BHXH dài hơn, không khuyến khích nghỉ hưu sớm khi còn sức làm việc.
“Nghỉ hưu sớm kéo theo thời gian nhận lương hưu dài hơn những người nghỉ đúng tuổi, nguy cơ mất cân đối đóng - hưởng, khi đó ai sẽ bù cho phần lương vượt? Do đó, đề xuất trên cần nghiên cứu cẩn trọng”, ông Lợi nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học LĐ&XH, cũng cho rằng, với người đóng BHXH, điều kiện hưởng lương hưu trước tiên phải đạt tuổi nghỉ hưu chung, sau đó mới tới điều kiện về năm đóng BHXH. Trường hợp sức khoẻ suy giảm, không đủ sức làm việc mới được nghỉ hưu sớm và chấp nhận phải giảm lương hưu.
“Tuổi nghỉ hưu được tính toán trên nhiều khía cạnh, từ cấu trúc xã hội tới kinh tế, việc làm, sức khoẻ, tuổi thọ người dân, các chính sách an sinh…, không phải theo số năm đóng BHXH. Hiện nhiều nước và chính Việt Nam đang tăng tuổi nghỉ hưu.
Tham gia bảo hiểm để khi rủi ro nào hưởng chính sách đó, khi mất việc có bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau có bảo hiểm y tế, khi hết tuổi làm việc có bảo hiểm hưu trí”, bà Hương nói.
Thay vì đề xuất giải pháp cho nghỉ hưu sớm với người đóng BHXH vượt trần, bà Hương đề xuất đưa vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi các quy định phần đóng “cứng” và phần “mềm”. Với phần “cứng”, người lao động đóng BHXH thời gian tối thiểu để có lương hưu (theo dự luật là 15 năm), phần này không được đụng tới khi chưa tới tuổi nghỉ hưu, kể cả hưởng BHXH một lần.
Với phần “mềm”, khi đã chắc chắn đóng đủ để có lương hưu (mức sàn), thời gian đóng tăng thêm mới cho hưởng các chế độ, như BHXH một lần với phần đóng trên mức sàn; đóng bù thời gian để cải thiện lương hưu ; thời gian đóng vượt sàn được tính tỷ lệ lương hưu cao hơn phần sàn… Các chính sách linh hoạt sẽ khuyến khích người lao động đóng thêm nhằm có lương hưu cao hơn.
Bà Hương cũng đề xuất đưa vào luật lần này quy định về tài khoản BHXH định danh cho người tham gia.
“Thời đại kinh tế số phải cá nhân hóa quản lý, tài khoản BHXH phải như tài khoản ngân hàng, ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam cũng làm được việc này. Qua tài khoản BHXH, người tham gia biết được quá trình đóng - hưởng, số tiền đóng, lợi nhuận đầu tư, lương hưu được hưởng… Giờ nhận thức của xã hội đã khác nhiều, quy định quản lý BHXH cũng phải thay đổi theo”, bà Hương nói.