(GDTĐ) - Trong hành trình trưởng thành, con trẻ có thể trải nghiệm qua các cảm xúc như buồn chán, căng thẳng, thất vọng, sợ hãi, chiến thắng, hạnh phúc… Điều quan trọng là trẻ sẽ thể hiện và quản lý những cảm xúc đó như thế nào?
Lợi ích khi trẻ có kỹ năng quản lý cảm xúc
Dù muốn dù không, cảm xúc tiêu cực là những khó khăn mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Trẻ cần được tập dượt kỹ năng tập trung vào cảm xúc lành mạnh, để đối diện và giải toả những cảm xúc tiêu cực.
Không có khả năng vượt qua cảm giác tiêu cực này, khi trưởng thành, trẻ có thể tìm đến các giải pháp tiêu cực như uống rượu, mua sắm… nhằm né tránh cảm xúc tiêu cực, từ đó né tránh việc giải quyết vấn đề.
Ngược lại, nếu được hướng dẫn và rèn luyện khả năng quản lý cảm xúc từ nhỏ, trẻ sẽ hạn chế được stress, cải thiện tâm trạng tiêu cực, biết điều hoà cảm xúc, từ đó biết hướng tới cảm xúc tích cực và dễ có được thành công trong tương lai.
8 cách giúp trẻ cân bằng cảm xúc
Cha mẹ hãy giúp con cân bằng cảm xúc bằng những cách sau:
Đầu tiên, cha mẹ hãy hướng dẫn con gọi tên, diễn đạt được cảm xúc khiến con khó chịu ra bằng từ ngữ. Ví dụ: Con cảm thấy căng thẳng; Con rất bực bội; Con cảm thấy bất lực. Việc mô tả thông qua từ ngữ sẽ càng ngày càng chính xác hơn nhờ việc đọc sách, xem tranh ảnh liên quan tới việc miêu tả cảm xúc. Cha mẹ cũng có thể trò chuyện với con về cảm xúc để gợi ý cách gọi tên phù hợp đối với cảm xúc đó.
Thứ hai, cha mẹ hãy rèn luyện bài tập hít thở. Hít thở thật sâu, thật chậm là cách để trẻ thả lỏng cơ thể và tâm trí. Hãy hướng dẫn con hít vào thật sâu qua mũi, thở ra từ từ qua miệng như thể con đang thổi bong bóng. Hít thở nhiều lần và trong những hoàn cảnh khiến con căng thẳng, con sẽ cảm thấy khá hơn.
Thứ ba, hãy tập thể dục thể thao. Đây là cách tuyệt vời để trẻ xả bớt năng lượng dư thừa khi căng thẳng. Nhờ đó, trẻ được lên dây cót tinh thần mỗi lần cảm thấy tâm trạng chán nản, mệt mỏi. Các bài tập rèn luyện sức mạnh như nâng tạ, thể dục nhịp điệu, chạy… phù hợp với thể trạng của trẻ cũng giúp nâng cao sức khoẻ, góp phần điều hoà và cân bằng cảm xúc.
Thứ tư, hãy sáng tạo nghệ thuật bằng các môn cơ bản như chơi nhạc, vẽ, chơi đất nặn, làm đồ thủ công… cũng giúp trẻ tập trung, mang lại niềm vui khi có được một sản phẩm ưng ý.
Thứ năm, hãy đọc sách nhằm làm xao nhãng tạm thời đối với cảm xúc tiêu cực đang gặp phải. Khi tập trung đọc, trẻ sẽ cảm thấy bình tâm trở lại và được truyền thêm cảm hứng, sẵn sàng trở lại xử lý vấn đề.
Thứ sáu, hãy chơi trò chơi, vận động tay chân có thể giúp thay đổi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu con. Khi đó, trẻ có thể nghĩ về những điều khác thay vì đắm chìm trong sự dằn vặt, lo âu hay hoang mang, sợ hãi.
Thứ bảy, hãy tự nhủ những điều tốt đẹp về bản thân như “Mình là người mạnh mẽ”; “Mọi điều sẽ ổn thôi”… Từ đây, trẻ cũng học được cách an ủi người khác khi họ buồn phiền bằng những lời lẽ tốt đẹp.
Thứ tám, hãy lập một bảng danh sách những hoạt động giúp con lấy lại tinh thần mỗi khi cảm thấy chán nản, buồn bực như nhảy múa, ca hát, đá bóng, kể truyện cười… Và thực hiện ngay một trong số những hoạt động đó ngay khi gọi tên được cảm xúc tiêu cực của mình. Việc này cũng giúp rút ngắn chu trình ứng xử với cảm xúc tiêu cực, đẩy nhanh quá trình tái tạo năng lượng cho con trẻ, giúp trẻ bình tĩnh đối diện vấn đề tốt hơn, giải quyết tốt hơn.
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc sẽ rất hiệu quả đối với trẻ trong việc khống chế các cảm xúc tiêu cực. Đây cũng là một trong số các giải pháp giúp xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực khi trẻ trưởng thành.
Vai trò của cha mẹ trong hành trình giúp con quản lý cảm xúc
Khi con phải đối mặt với khó khăn, cha mẹ hãy hỏi con: “Ai có thể giúp con giải quyết việc này?” Cha mẹ hãy hướng dẫn con nhận ra rằng, có nhiều người có thể hỗ trợ con, giúp con giải quyết vấn đề.
Những đứa trẻ biết rõ rằng việc nhờ sự giúp đỡ của người khác là hành động không có gì sai, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn. Trẻ sẽ hiểu được rằng không cần gồng mình lên để biết hết mọi thứ và tự mình giải quyết hết mọi việc.
Khi trẻ gặp khó khăn trong việc phải đưa ra một quyết định nào đó, cha mẹ hãy cùng con viết ra những ưu điểm và nhược điểm đi kèm mỗi lựa chọn.
Cha mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi và tôn trọng quyết định của con, để con chịu trách nhiệm và tự tìm các phương án bộc lộ cảm xúc theo các bối cảnh cụ thể.
Theo thời gian, trẻ sẽ dần thuần thục kỹ năng giải quyết vấn đề, từng bước rèn luyện bản lĩnh, vượt qua khó khăn dễ dàng nhờ tự tìm ra cách giải quyết nhanh chóng, đúng đắn và hiệu quả.