Về đường thuỷ, dự án kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực TP Hồ Chí Minh. Để nâng cao năng lực cho tuyến giao thông thủy này, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 dự án nâng cấp bờ phía Bắc của kênh Chợ Gạo, nay tiếp tục đầu tư nâng cấp giai đoạn 2.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy (chủ đầu tư) cho biết, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 bao gồm 3 gói thầu xây lắp. Hiện các nhà thầu đang đẩy mạnh thi công, đảm bảo hoàn thành dự án trong tháng 8/2023, vượt 2 tháng so với hợp đồng ký kết.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhìn nhận, kênh Chợ Gạo là con kênh nối liền sông Tiền với sông Vàm Cỏ. Thời gian gần đây, mỗi ngày có gần 2.000 phương tiện thủy lưu thông qua đây, trong khi bề rộng và độ sâu luồng hạn chế. Do đó, việc đưa dự án về đích trước tiến độ có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao năng lực vận tải đường thủy khi phương tiện thủy có trọng tải lớn từ 2.000 - 3.000 tấn có thể lưu thông thuận lợi qua kênh.
Đối với các dự án cao tốc mới triển khai như cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, đại diện chủ đầu tư Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài gần 111km, với tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay, 2 dự án thành phần cao tốc từ Cần Thơ - Cà Mau được khởi công ngày 1/1/2023, các nhà thầu đang nỗ lực vượt khó khăn để đẩy mạnh thi công trên công trường. Đến nay, sản lượng thi công đang đảm bảo tiến độ so với mặt bằng được giao. Tuy nhiên, tiến độ tổng thể đang bị chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công hạng mục cầu và đào bóc hữu cơ, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng, thi công đường công vụ, cầu tạm...
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo kế hoạch, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trong đó, có cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau đến tháng 5/2024 phải hoàn thành toàn bộ đắp nền để chờ lún, nếu không thì dự án không thể hoàn thành vào năm 2025. Do đó, các địa phương, đơn vị tranh thủ sớm cung cấp nguồn vật liệu cho dự án.
Cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre cũng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng phía tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, tất cả 6 gói thầu xây lắp của dự án đã được khởi công, chủ đầu tư đang yêu cầu nhà thầu tranh thủ các đoạn tuyến có công địa để đẩy mạnh thi công, đặc biệt là phần cầu chính.
Cụ thể, ông Đặng Ngọc Minh, Giám đốc dự án cầu Rạch Miễu 2 (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) thông tin: Tiến độ chung của các gói thầu đã triển khai thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu. Riêng gói XL-01, XL-03, XL-05 và XL-06 có chậm hơn, nguyên nhân do mặt bằng được bàn giao chậm, chưa liên tục, vướng hạ tầng kỹ thuật.
Trong khi đó, những dự án được khởi công từ tháng 6 vừa qua như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu cũng đang được chủ đầu tư là các địa phương đẩy nhanh thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn tổng thể, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Tây Nam Bộ đang dần đồng bộ khi nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch đã và đang hình thành, tạo ra sự kết nối giữa vùng kinh tế Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế.
Những dự án trọng điểm sắp được đưa vào khai thác hứa hẹn sẽ dần tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra sự lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Từ đó, tạo ra không gian, động lực phát triển mới cho vùng kinh tế giàu tiềm năng này.