Lộ trình sáp nhập Hải Phòng - Hải Dương đang được nghiên cứu kỹ lưỡng với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích cho người dân và khai thác tốt hạ tầng hiện đại sẵn có.
Chiều 9/4, Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị Thành ủy lần thứ 19 kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ quý I; phương hướng, nhiệm vụ quý II/2025 và nghe báo cáo về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh tinh thần chủ động, đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị, trong đó có việc phối hợp nghiên cứu sáp nhập với tỉnh Hải Dương.
Việc nghiên cứu sáp nhập này là một nội dung đáng chú ý trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và các chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị Đảng ủy UBND thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc (trụ sở, nhà ở, chế độ chính sách…) cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Ông Châu cho biết sẽ tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi địa phương thông qua để chủ động đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương, với tinh thần là chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân 2 địa phương Hải Phòng - Hải Dương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.
Tờ Thanh Niên dẫn lời ông Lê Tiến Châu khẳng định: "Người dân phải được hưởng thành quả khi sáp nhập Hải Phòng – Hải Dương."
Với số lượng đầu mối cấp xã trực thuộc thành phố của Hải Phòng rất lớn, ông Châu đề nghị Đảng ủy UBND thành phố khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo và phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố bảo đảm thông suốt, hiệu quả, kịp thời.
Khẳng định tại buổi Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, thành phố quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,5% của năm 2025, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15,65% của giai đoạn 2026 - 2030.
Hải Phòng là một trong 6 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam và là thành phố lớn thứ 3 cả nước. Đây là một trong những thành phố cảng quan trọng của Việt Nam, có lịch sử hình thành và phát triển đã từng là một phần của tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, theo cuốn Dương Kinh Quốc: Việt Nam - Những sự kiện lịch sử có nêu, ngày 11/9/1887, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định thành lập tỉnh Hải Phòng trên cơ sở một phần đất của tỉnh Hải Dương, gồm các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng. Tỉnh lỵ đặt tại Ninh Hải (khu vực trụ sở UBND thành phố hiện nay).
GS.TSKH Vũ Minh Giang từng cho rằng, nếu Hải Dương, Hải Phòng "về chung một nhà" thì đó không phải là sự kết hợp tương đồng mà là sự kết hợp hoàn chỉnh. Hải Dương là vùng đất truyền thống lâu đời, thuần nông, có dư địa. Hải Phòng là thành phố công nghiệp có cảng biển lớn. Nếu có thể kết hợp hai vùng này lại với nhau sẽ tạo nên giá trị gia tăng, thúc đẩy sự phát triển của cả hai và cho cả đất nước.
Nói về vấn đề chọn thủ phủ của tỉnh mới sau sáp nhập, theo ông Giang, nếu Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng thì nên chọn Hải Phòng là thủ phủ. Mặc dù Hải Dương rộng và cũng gần hơn với Hà Nội nhưng xét về mặt kết nối thì không thể so sánh với Hải Phòng. Đặt ở thành phố Hải Phòng để thuận lợi về giao thông, kết nối trong và ngoài nước bởi địa phương vừa có sân bay, lại có cảng biển, là một vị trí đắc địa.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, Hải Phòng với cảng biển lớn nhất miền Bắc và tầm nhìn hướng biển, nên là thủ phủ.
Ông nhấn mạnh việc lựa chọn thủ phủ nên đặt tại đô thị phát triển nhất trong số các tỉnh sáp nhập, vì đây là nơi tập trung hạ tầng hiện đại, kinh tế mạnh và dân cư đông, đảm bảo hiệu quả quản lý và kết nối vượt trội.
Ông Chính khẳng định việc sáp nhập cần tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có để bổ sung cho nhau, trong đó tính toán để ít nhất mỗi tỉnh có một sân bay hoặc cảng biển, tạo điều kiện giao thương, đi lại trong nước và quốc tế.
Việc nghiên cứu và triển khai sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương là một bước đi quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự đồng thuận của người dân. Nếu được thực hiện đúng đắn, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ cho khu vực trong tương lai.