Trước xu hướng phát triển du lịch văn hóa kết hợp giá trị di sản, dù có nhiều lợi ích qua lại giữa nguồn thu du lịch và quảng bá văn hóa. Song, giới chuyên gia vẫn không khỏi lo ngại nếu các địa phương không có chiến lược cụ thể, không đặt vấn đề bảo tồn lên trước hết. Bởi vậy, trong các hội thảo về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giới chuyên gia đều nhấn mạnh thuật ngữ “phát triển bền vững”.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho hay, hiện nay phát triển bền vững không chỉ là câu cửa miệng, mà còn là mục đích hướng tới của mọi quốc gia. Tuy nhiên, phát triển bền vững như thế nào, hành động như thế nào thì lại thường hay mắc sai lầm.
“Đừng đặt vấn đề khai thác kinh tế du lịch lên trên hết, vượt qua hết mọi quy chuẩn. Khách đến du lịch và chúng ta mong muốn họ trở lại - đó không chỉ là mong muốn mà còn là định hướng du lịch. Chúng ta phải tính đến tính bền vững chứ không phải ăn xổi.
Với quan niệm triết lý du lịch vừa bảo tồn được di sản, vừa thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch thì mọi tiêu chí phải mang tính văn hóa, và chúng ta phải tạo ra văn hóa du lịch”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm.
Ông Huy cũng cho rằng, giới quản lý và những người làm chính sách nên đặt mình vào vị trí khách du lịch. Trong mô hình du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, khách đến một vùng đất xa xôi, vùng dân tộc với mong muốn tìm hiểu cuộc sống thật nhưng thường hay “bị lừa” bởi cách địa phương bày vẽ, trang hoàng cho hoành tráng. Ngay cả việc tái hiện phong tục cũng toàn là “diễn” thì làm sao đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong xây dựng phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa với hơn 40.000 di tích (hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt), 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh...
Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, các địa phương nên có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, bài bản, chuyên nghiệp. Dù là câu chuyện lợi ích qua lại giữa kinh tế du lịch và quảng bá di sản, song dù thế nào cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa, ứng xử giữa con người với di sản”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết.
Mới đây, tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), Việt Nam tiếp tục được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023”.
Cùng với danh hiệu này, còn có các điểm đến cấp địa phương được trao tặng hạng mục giải thưởng: Hà Nội nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”, đảo Ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”, Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”, Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”, Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023”.