Nhu cầu về nguồn nhân lực số tăng cao, với khoảng 97 triệu việc làm mới nhưng cũng có khoảng 85 triệu việc làm có thể bị thay thế bởi tự động hóa.
PGS.TS Bùi Thị Nga - Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ tại Hội thảo ‘Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT” – ngày 5/4, tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội).
Nhu cầu về nguồn nhân lực số tăng cao
Theo PGS.TS Bùi Thị Nga, hiện 70% quốc gia đưa kỹ năng số vào giáo dục phổ thông, gồm các khóa học về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và tự động hóa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Nữ chuyên gia khuyên học sinh dựa trên sở thích, năng lực cá nhân để lựa chọn ngành nghề đáp ứng yêu cầu nhân lực trong kỷ nguyên số, đồng thời tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng bước vào hành trình lập thân, lập nghiệp.
Chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Dương Văn Nhiệm - Khoa Thú y cho biết, từ năm 2014 đến nay, Học viện Nông tổ chức 9 Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.300 dự án tham gia từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, THPT, các địa phương (trong đó trên 50% dự án là của sinh viên học viện).
9 năm qua, sinh viên của học viện đã giành 5 giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia và nhiều giải thưởng khác. Đặc biệt, nhiều ý tưởng, dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp có vị trí trong cộng đồng thanh niên khởi nghiệp và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Theo TS Dương Văn Nhiệm, một trong những yếu tố tạo nên thành công phong trào khởi nghiệp của sinh viên là chất lượng đội ngũ giảng viên. Hiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có hơn 90% giảng viên được đào tạo tại nước ngoài. Năm 2023, Học viện được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chứng nhận danh hiệu “Trường học tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”
Ngoài ra, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng và liên kết với hơn 200 doanh nghiệp trong đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 97%. Tính đến thời điểm này, Học viện đã đào tạo gần 120 nghìn cử nhân, kỹ sư; gần 15 nghìn thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ.
Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Là cơ sở đào tạo uy tín, đa ngành, đạt chuẩn đào tạo quốc tế, TS Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Học viện có nhiều ngành đào tạo như: Ngôn ngữ Anh, Du lịch, Sư phạm Công nghệ, Thú y, Chăn nuôi, Nuôi trồng thủy sản, Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điện, điện tử, Logistics, Kinh tế đầu tư, Kế toán, Luật, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin,..
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, ươm mầm các dự án khởi nghiệp; được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Chương trình khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên.
Học viện có đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu chất lượng cao, phần lớn được đào tạo bài bản từ các quốc gia phát triển như: Nhật, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Bỉ…
Với nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Học viện là cơ sở giáo dục đại học có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại và cảnh quan đẹp bậc nhất cả nước.
Học viện có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng và liên kết với hàng trăm doanh nghiệp trong đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ. "Chúng tôi hy vọng hội thảo sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT, phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ" - TS Nguyễn Công Tiệp bày tỏ.
Cũng theo TS. Nguyễn Công Tiệp, việc tổ chức Hội thảo Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT cần thiết, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
"Thông quá Hội thảo chúng tôi cũng đánh giá về nhu cầu nguồn nhân lực, hành trình khởi nghiệp của các em học sinh, sinh viên tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội, các trường đại học nói chung và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, từ đó có các kiến nghị, giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới" - TS. Nguyễn Công Tiệp trao đổi và mong muốn được chào đón học sinh THPT của Hà Nội trở thành tân sinh viên khóa 70 của Học viện trong năm học 2025-2026.
"Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ các em học sinh THPT, khi các em trở thành sinh viên của Học viện thì những ý tưởng ấy lại được tiếp tục phát triển ở cấp độ cao hơn, có thể trở thành hành trang cho các em sau khi tốt nghiệp đại học và bước vào cuộc sống" - TS Nguyễn Công Tiệp nhấn mạnh. Năm 2025, Học viện có 4 phương thức xét tuyển: xét học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng, xét kết quả thi THPT 2025.