Theo đại diện nhiều nhà trường, khi áp dụng quy định về khen thưởng, kỷ luật HS cần nhân văn nhưng phải bảo đảm tính răn đe và giáo dục.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận với Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Theo đó, chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; không còn hình thức đình chỉ học có thời hạn.
Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư 08 ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông. Hiện nay có 5 hình thức kỷ luật với học sinh tùy theo mức độ vi phạm gồm: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần, đuổi học 1 năm.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng, một trong những giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc là áp dụng biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Dự thảo quy định này hướng đến mục tiêu giáo dục và giúp học sinh nhận thức lỗi lầm.
Tuy nhiên, có những lo ngại về tính răn đe, hình thức và sự phù hợp với các mức độ vi phạm khác nhau. Để quy định này thực sự hiệu quả, cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, cũng như các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với dự thảo lần này. Bởi, việc phải cách ly học sinh phạm lỗi ra khỏi môi trường giáo dục một thời gian thực sự là thất bại. Thực tế làm nghề nhiều năm, chưa một lần thầy Cường phải đình chỉ học trò nào, thay vào đó là sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực.
Theo định hướng chương trình mới, toàn ngành hướng đến việc giáo dục học sinh hình thành những năng lực, phẩm chất và nhân cách phù hợp với chuẩn mực xã hội trong giai đoạn mới. Nếu chúng ta giáo dục cho trẻ từ khi bắt đầu vào tiểu học về các hành vi ý thức, nền nếp và hình thành thói quen tốt thì lộ trình xây dựng nhân cách của học sinh sẽ được định hình, mang tính liên tục chứ không ngắt quãng.
“Trong quá trình học ở trường, học sinh có thể mắc phải sai lầm nào đó về mặt hành vi thì cần vai trò phối hợp từ nhà trường, gia đình và xã hội. Khi trò phạm lỗi, thay vì buông tay thì người lớn hãy nắm tay để các em hiểu ra lỗi lầm và dần tiến bộ. Nhìn rộng ra, chúng ta cần áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm giúp trò có lối sống tuân thủ quy định từ nhỏ thì mới đáp ứng mục tiêu của chương trình mới”, ông Nguyễn Cao Cường nhìn nhận.
Là giáo viên dạy môn Lịch sử tại Thanh Hóa, thầy Hồ Như Hiển bày tỏ băn khoăn khi cho rằng dự thảo đang thiếu cân đối giữa mục tiêu giáo dục nhân văn và yêu cầu thiết lập kỷ cương trong nhà trường. Những hình thức xử lý mang tính “nhẹ nhàng” như nhắc nhở, phê bình hay viết bản kiểm điểm không đủ sức răn đe với học sinh có hành vi sai phạm nghiêm trọng.
Trong thực tế, nhiều em viết kiểm điểm qua loa, đối phó nhưng hành vi sai trái vẫn tiếp diễn. Khi nhà trường không có biện pháp xử lý đủ mạnh, tính nghiêm minh trong giáo dục sẽ bị xói mòn, kỷ luật trở nên hình thức.
Dự thảo dường như đặt nhiều niềm tin vào khả năng tự điều chỉnh hành vi của học sinh thông qua “nhắc nhở nhẹ nhàng”, trong khi lại đánh giá thấp đặc điểm tâm lý lứa tuổi vị thành niên, độ tuổi đang trong giai đoạn hình thành bản ngã, dễ bốc đồng, thích thể hiện...
“Giáo dục tích cực không có nghĩa loại bỏ mọi hình thức kỷ luật, mà là kết hợp giữa sự yêu thương và các giới hạn rõ ràng. Nếu không có kỷ cương, học sinh dễ nhầm lẫn giữa quyền được tôn trọng và hành động vô giới hạn. Nhân văn trong giáo dục chỉ thật sự có ý nghĩa khi đi kèm với trách nhiệm và rèn luyện đạo đức”, thầy Hồ Như Hiển thẳng thắn góp ý.
Ngoài ra, thầy Hiển dẫn giải, giáo viên - những người trực tiếp giữ gìn trật tự lớp học sẽ bị hạn chế nghiêm trọng trong việc xử lý học sinh vi phạm. Khi không có công cụ phù hợp, giáo viên trở nên “lực bất tòng tâm”, uy tín và quyền hạn của người thầy bị suy giảm. Điều này làm tổn thương mối quan hệ dạy - học vốn dựa trên sự tôn trọng và chuẩn mực hành xử.
Từ những phân tích trên, thầy Hồ Như Hiển kiến nghị Ban Soạn thảo cần phân loại hành vi vi phạm thành ba mức độ: Nhẹ, trung bình, nghiêm trọng. Giữ lại một số hình thức kỷ luật công khai hoặc đình chỉ học tập tạm thời, áp dụng đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, có chủ ý, tái phạm. Kết hợp kỷ luật với hỗ trợ tâm lý và giáo dục đạo đức. Kỷ luật không phải để trừng phạt đơn thuần, mà gắn liền với quá trình phục hồi nhận thức, điều chỉnh hành vi của học sinh.
Chia sẻ từ thực tế nhà trường, theo bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), để học sinh phát triển toàn diện, ngoài việc yêu thương thì rèn tính kỷ luật cũng cần thiết. Kỷ luật phải có tính răn đe để các em ngày càng hoàn thiện nhân cách. Nếu chỉ viết bản kiểm điểm thì nhiều em sẽ khó thay đổi, có thể gây lỗi nhiều lần, gây ra nhiều áp lực cho thầy cô và các học sinh yếu thế.
Bà Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San, (TP Nam Định, Nam Định) cho hay: “Ban Soạn thảo nên quy định hình thức kỷ luật đối với học sinh gồm: Nhắc nhở, phê bình, viết kiểm điểm. Với các em vi phạm những lỗi nghiêm trọng thì tạm đình chỉ học tập từ 1 - 3 ngày để kết hợp với gia đình trong công tác giáo dục đạo đức học sinh. Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT có những quy định phù hợp với thực tế để hỗ trợ pháp lý cho các cơ sở giáo dục ở địa phương”.